Rau xanh là một mặt hàng thường xuyên và thiết yếu trong tiêu dùng hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, khi được hỏi về niềm tin của người tiêu dùng đối với độ an toàn và chất lượng của mặt hàng này, nhiều người còn khá nhiều nghi ngại, không chỉ đối với rau bán ngoài chợ, cửa hàng rau sạch mà ngay cả các siêu thị.
Rau chợ, biết rủi ro vẫn phải mua...
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến những thông tin về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng... trong rau xanh; và quan tâm về nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng này.
Chị Vũ Thị Hoa, tiểu thương ở chợ Nam Đồng (Đống Đa - Hà Nội) thường xuyên lấy rau từ các chợ đầu mối về bán |
Tại các chợ truyền thống như Thành Công, Thái Hà hay chợ cóc Nam Đồng, Pháo Đài Láng, Yên Hòa…, nhiều tiểu thương bán rau xanh cho biết, rau họ lấy về bán thường có nguồn gốc được trồng từ các vùng sản xuất như Đông Anh, Thường Tín, Thanh Trì… Họ nhập rau từ các chợ đầu mối như Long Biên, Mai Dịch, Phùng Khoang…
Hiện, hầu hết các loại rau bày bán tại các chợ đều không được đóng gói trong bao bì có nhãn mác với các thông tin về nhà sản xuất, chứng nhận chất lượng. Người tiêu dùng mua rau vì thói quen đi chợ, vì các chợ cóc tiện lợi gần khu dân sinh. Và họ mua rau từ những hàng quen bằng những kinh nghiệm cá nhân khi lựa chọn rau sạch.
Dù vậy, người tiêu dùng không khỏi lo lắng về chất lượng, mức độ an toàn của rau bán tại những nơi này. Chị Đỗ Thị Ngọc, ở số 187 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội) băn khoăn: “Ở chợ khá lộm nhộm, ai bán hàng cũng bảo rau của nhà trồng ra. Tôi chỉ biết mua mà không có cách nào kiểm chứng”.
Còn chị Trần Thị Mai Hương (Xã Đàn 2, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, “mua rau ở chợ có thể có nguy cơ thiếu an toàn, dẫn đến có thể bị nhiễm bệnh, hoặc không an toàn đối với người ăn. Biết thế, nhưng tôi vẫn phải mua, ăn vẫn cứ lo”.
Sẽ quay lưng với siêu thị?
Trong khi việc mua hàng ở chợ không yên tâm về độ an toàn của rau củ, thì nhiều người đã chọn siêu thị như một nơi cung cấp chính các mặt hàng thực phẩm, rau xanh cho gia đình. Theo quan niệm của nhiều người, lí do là tại siêu thị, hàng hóa được đóng gói với thông tin về nhà sản xuất, thời hạn sử dụng rõ ràng, nếu gặp vấn đề gì với hàng hóa thì siêu thị đó sẽ chịu trách nhiệm.
Chị Bùi Thị Hải (Hà Đông, Hà Nội) đang đắn đo tìm hiểu thông tin về rau sạch trong siêu thị trước khi quyết định có mua hay không |
Theo chị Trần Thanh Ngọc (ở Hồ Đắc Di, Hà Nội): “Nhà tôi thường xuyên mua rau ở siêu thị vì tin tưởng vào độ an toàn tại đây. Đặc biệt là nhà tôi có con nhỏ, cần phải chú ý đến độ an toàn sản phẩm nhiều hơn nên chọn mua rau ở siêu thị”.
Các siêu thị thường cho rằng việc họ chọn đối tác cung cấp sản phẩm rau sạch đều phải có đầy đủ các loại giấy tờ chứng nhận an toàn thực phẩm.
Cục Bảo vệ Thực vật(Bộ NN-PTNT):5,8 - 6,8% mẫu rau không an toàn
Hằng năm, Cục BVTV thực hiện kiểm tra, giám sát ATTP. Chương trình giám sát tồn dư hóa chất, kim loại nặng trong rau, quả từ sản xuất đến kinh doanh trên phạm vi cả nước.
Từ năm 2011 đến nay, nguy cơ về ATTP trên rau, quả có xu hướng giảm, tuy nhiên không nhiều, dao động từ 5,8 - 6,8% mẫu có mức tồn dư vượt mức giới hạn tối đa cho phép.
Chị Bùi Thị Hải (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Mình mua hàng thường xuyên ở siêu thị. Khi thấy thông tin các nhà cung cấp rau cho siêu thị họ đi thu gom rau từ các chợ đầu mối không rõ nguồn gốc khiến cho mình rất hoang mang. Mình không biết sẽ phải lựa chọn mua rau ở đâu để đảm bảo an toàn”.
Và một cách phản ứng với thông tin này, theo chị Trần Thanh Ngọc (Hồ Đắc Di, Hà Nội): “Mình sẽ xem xét, có thể mình sẽ không mua rau ở siêu thị nữa”.
Người tiêu dùng phó thác niềm tin cho siêu thị. Trong khi đó, lâu nay không ít siêu thị vẫn để xảy ra tình trạng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ không đảm bảo, hàng quá hạn sử dụng, chất lượng chưa cao… Có thể thấy, niềm tin của người tiêu dùng đang bị lung lay trước những thông tin về sản phẩm không đảm bảo trên thị trường, đặc biệt là trong siêu thị./.