banh_trunh_thu_vov_12__sncn.jpg
Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Trung thu, nhưng theo khảo sát của PV trên các tuyến phố: Bà Triệu, Láng Hạ, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Thái Tông... của Hà Nội, lượng khách tìm đến mua luôn ở mức thấp.
Mặc dù, nhiều doanh nghiệp làm bánh Trung thu đã đầu tư để đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm và trang trí cửa hàng nhưng vẫn không mấy thu hút được khách hàng.

Các cửa hàng của những doanh nghiệp kinh doanh bánh Trung thu dựng lên san sát với đủ các thương hiệu (Kinh Đô, Hữu Nghị, Long Đình, Madame Hương...) và bán cả ngày lẫn đêm… song sức tiêu thụ không cao. Có khi cả phố bán hàng nhưng chẳng có một khách mua.
Theo chị Nguyễn Diệu Linh, nhân viên bán hàng của quầy bánh Trung thu Long Đình tại phố Láng Hạ (Hà Nội), năm nay mức tiêu thụ chỉ ở mức trung bình. Sản phẩm bên chị là tầm trung đến cao cấp nên lượng khách cũng hạn chế hơn so với các sản phẩm bình dân.

Cũng theo chị Linh, năm nay khách mua hàng cao cấp cũng chỉ tập trung vào các dòng sản phẩm từ 1 - hơn 2 triệu đồng/hộp. Còn các sản phẩm 3 - hơn 4 triệu đồng/hộp thì ít hơn.
Qua khảo sát, năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh cũng đã đưa ra rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau với mức giá linh hoạt. 
Như thương hiệu bánh Trung thu Madame Hương, khách hàng có thể lựa chọn hộp bánh từ mức 290.000 đồng đến 2,5 triệu đồng. 

Ngoài ra, khách hàng cũng có thể mua lẻ với giá từ 60.000 - 70.000 đồng/chiếc tùy loại nhưng sức mua chỉ trung bình.
Trên thị trường, ngoài các dòng sản phẩm cao cấp, khách hàng cũng có thể lựa chọn các sản phẩm có mức giá bình dân hơn đến từ các thương hiệu: Hữu Nghị, Kinh Đô, Hải Châu... với giá bán từ 200.000 - 300.000/hộp.
Chị Nguyễn Thị Oanh - nhân viên kinh doanh tại quầy hàng của Hữu Nghị trên đường Chùa Láng (Hà Nội) cho biết, sản phẩm bánh lẻ truyền thống từ 50.000 - 70.000 đồng vẫn là chủng loại bán chạy nhất. Còn khách mua hàng cao cấp tại cửa hàng chị khá ít dù giá chỉ khoảng 400.000 - 800.000 đồng/hộp.
Theo một số nhân viên kinh doanh tại các quầy hàng, thời gian cận Tết Trung thu là lúc khách mua hàng nhiều nhất nhưng đến hiện tại thì trung bình mỗi ngày chỉ bán được vài triệu tiền hàng. 
Thậm chí có những thương hiệu mới thì con số có ngày chỉ dừng ở vài trăm nghìn đồng.
Chính vì vậy, nên nhiều doanh nghiệp đã phải đưa ra các chương trình khuyến mại, ưu đãi nhằm kích cầu.
Tùy theo chính sách của từng doanh nghiệp mà khách hàng sẽ được chiết khấu theo % khi mua hàng hay được tặng thêm các món quà đi kèm. Có những doanh nghiệp như Hải Châu thì chỉ với đơn hàng 200.000 đồng trở lên là đã nhận được ưu đãi. 
Tuy nhiên đối với một số thương hiệu: Bảo Ngọc, Madame Hương, Long Đình, Hữu Nghị... thì khách hàng phải mua với số lượng lớn mới được giảm từ 3 - 5%/đơn hàng hoặc tặng kèm quà.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Trang nhân viên kinh doanh của quầy bánh Kinh Đô, lượng khách mua năm nay giảm hơn năm ngoái một phần do tâm lý người dân đang hạn chế ăn đồ ngọt. Cùng với đó, dịch vụ bán hàng online ngày một phát triển mạnh giúp người mua dễ dàng mua hàng trực tuyến, không phải tốn thời gian đi lại nên các quầy bán bánh truyền thống không hút nhiều khách như trước đây.