Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng ngay từ lúc này, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngành chức năng sẵn sàng các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… được đặc biệt quan tâm.

Với phương châm, đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa và ổn định thị trường trong dịp Tết, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo 13 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trên địa bàn dự trữ đúng lượng hàng hóa đã cam kết, tương ứng với số vốn 318 tỷ đồng, gồm 5.500 tấn gạo, 900 tấn thịt lợn, 300 tấn thủy sản đông lạnh…

Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, ngoài việc tổ chức bán hàng tại các điểm cố định còn tăng cường tần suất bán hàng lưu động bình ổn giá kết hợp với hàng phục vụ Tết tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các huyện ngoại thành.

Ông Đào Quang Vinh, TGĐ Công ty CP công nghệ thực phẩm Vinh Anh, một trong những doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cho biết, công ty được thành phố giao nhiệm vụ bình ổn mặt hàng thịt lợn và được thành phố cho vay 25 tỷ đồng. Công ty đã triển khai ký hợp đồng với các trang trại lớn của Hà Nội cũng như các tỉnh lận cận, đảm bảo nguồn hàng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, hệ thống siêu thị, trung tâm bán lẻ trên địa bàn chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết tăng từ 10% - 20% so với năm 2012 (trong đó 90% là hàng hóa trong nước sản xuất). Ước tính, tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn thành phố phục vụ thị trường trong nước trong và sau Tết trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng.

Ông Phan Bội Ngọc, Giám đốc hệ thống siêu thị Lan Chi cho rằng, với sự chủ động này, Hà Nội sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

“Chúng tôi đã tập trung dự trữ được hơn 2.000 tấn dầu ăn cùng với các mặt hàng bánh, mứt, kẹo đảm bảo phục vụ khu vực phía Tây và vùng lận cận ngoại thành Hà Nội. Đến giờ phút này, lượng hàng dự trữ tăng lên 50% so với những tháng bình thường. Hàng hóa đều đảm bảo chất lượng với nguồn góc xuất xứ rõ ràng với giá ưu đãi”, ông Ngọc cho biết.

Theo dự báo trước, trong và sau Tết Nguyên đán (trong vòng 1 tháng) nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng từ 15% - 18%, tập trung vào một số nhóm mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, nước giải khát. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong tháng Tết Giáp Ngọ khoảng 38.000 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngoài lượng hàng hóa có thể tự cung cấp được, Hà Nội sẽ khai thác nguồn hàng thủy sản, gạo từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình; thịt lợn rau xanh từ Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…

“Chủ trương của thành phố là ổn định giá thị trường, đảm bảo chất lượng hàng hóa và cân đối cung cầu, thúc đẩy sản xuất lưu thông đồng thời kích cầu tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội. Bằng nhiều biện pháp, Sở Công Thương sẽ hạn chế các đối tượng đầu cơ, găm hàng tạo hiện tượng khan hàng ảo gây mất ổn định thị trường”, bà Mai khẳng định.

Ngoài việc đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa, ổn định thị trường, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán Giáp Ngọ. Trong đó tập trung vào công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, chấn chỉnh tình trạng kinh doanh trái phép và kinh doanh có điều kiện, kiểm tra bình ổn giá; hoạt động vận chuyển, chế biến gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng./.