Những năm trước, sản lượng hàng Tết lúc nào cũng tăng hơn 20% nhưng năm nay doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu tăng 5-10%. Thứ nhất, do sức mua được nhận định vẫn còn kém. Thứ hai, doanh nghiệp chú trọng đến khâu tăng chất lượng và mẫu mã hàng hóa. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tối đa các chi phí đầu vào để đưa ra mức giá hợp lý trong dịp Tết, chỉ tăng khoảng 5% để kích cầu mua sắm trong dịp kinh doanh quan trọng nhất của năm.
Cùng chung nhận định sức mua vẫn còn yếu nên nhiều siêu thị cũng cho biết, giữ giá ổn định là mục tiêu hàng đầu trong dịp mua sắm Tết năm nay. Siêu thị Metro đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết với tổng giá trị lên đến 2.000 tỷ, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như gạo, nếp, đường, các loại gia vị, nước chấm, thực phẩm tươi sống…
Là một trong những đơn vị tham gia bình ổn thị trường TP.HCM, công ty Vissan đã chuẩn bị 40.000 con heo và 10.000 tấn thực phẩm chế biến cho mùa Tết. Dự báo sản lượng sẽ tăng 20% so với cùng kỳ nhằm bao phủ thị trường và không để thiếu hàng.
Ngoài ra, Sở Công Thương TP HCM cho biết, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường Tết năm nay sẽ cung ứng khoảng 30-40% thị phần các mặt hàng thiết yếu. Ngoài các kênh phân phối tại các cửa hàng bình ổn, siêu thị, các doanh nghiệp còn lên kế hoạch bán hàng lưu động để bao phủ hàng hóa bình ổn về các vùng như khu chế xuất, khu công nghiệp và vùng ven thành phố./.