Xác định đại dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian dài, các hình thức tiêu thụ vải truyền thống chắc chắn sẽ khó phát huy được hiệu quả. Do đó, xúc tiến thương mại trên sàn giao dịch điện tử được coi giải pháp hữu hiệu mà các địa phương trồng vải với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, công thương đang ưu tiên thực hiện trong bối cảnh "sống chung với dịch" với mục tiêu hoàn thành“nhiệm vụ kép” vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất kinh doanh.
Tại hai địa phương có diện tích vải lớn nhất cả nước Bắc Giang và Hải Dương, ước tính tổng sản lượng vải niên vụ năm nay khoảng 235.000 tấn cao hơn so với năm 2020 là 35.000 tấn. Trước diễn biến phức tạp của Covid 19, việc lưu thông tiêu thụ vải thiều còn gặp khó khăn thì giải pháp mới năm nay là quả vải sẽ được bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử Alibaba, Voso, Sendo và Lazada, PostMart…
Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, năm nay cũng là năm đầu tiên tỉnh Hải Dương đưa sản phẩm vải thiều lên sàn giao dịch thương mại điện tử. “Thêm kênh bán hàng mới, tỉnh Hải Dương kỳ vọng sẽ tiêu thụ được khoảng 5-10 % sản lượng vải trong năm nay. Những năm tới, khi sản lượng tiếp tục mở rộng và thương mại điện tử trở thành kênh bán hàng quan trọng của tỉnh Hải Dương, khách hàng có thể tiếp cận được với sản phẩm vải thiều Hải Dương một cách đơn giản nhất, dễ nhất”, bà Kiểm khẳng định.
Vụ vải năm 2021, toàn tỉnh Bắc Giang có 28.100 ha trồng vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm trước và bắt đầu thu hoạch chính vụ từ ngày 10/6 - 20/7. Nhờ ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nên mẫu mã chất lượng quả vải vượt trội so với các năm trước, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang kỳ vọng, bằng việc xúc tiến trực tuyến, quả vải thiều sẽ được tiêu thụ tại nhiều quốc gia trên thế giới. “Năm 2021 Việt Nam đã có mối quan hệ bạn hàng với gần 30 nước trên thế giới. Tại buổi xúc tiến trực tuyến vào ngày 8/6 này sẽ mở rộng thêm 3 điểm cầu Australia, Singapore, Nhật Bản cùng với 4 điểm cầu của Trung Quốc. kênh xúc tiến thương mại trực tuyến sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản trong mùa dịch”, ông Tấn chỉ rõ.
Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được Bộ trưởng Bộ Công Thương giao là đơn vị đầu mối chủ trì, triển khai gấp rút chương trình hỗ trợ bà con tiêu thụ đặc sản vải thiều thông qua thương mại điện tử.
Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0../.