Lần đầu tiên sụt giảm giá trị xuất khẩu sau 5 năm

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2012 Việt Nam xuất khẩu tôm sang 92 thị trường, với tổng giá trị ước đạt 2,25 tỷ USD, giảm khoảng 6,3% so với năm 2011. Đây là lần đầu tiên trong vòng năm năm qua xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm giá trị. Năm qua nổi bật là xuất khẩu tôm sú đạt 1,16 tỷ USD, chiếm 56,1% tổng giá trị xuất khẩu tôm cả nước, tôm chân trắng đạt 676,6 triệu USD, chiếm 32,8%.

1nuotom1.jpg
Năm 2012, xuất khẩu tôm giảm mạnh về giá trị (Ảnh:NDĐT)

Trong tốp 10 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam (chiếm 95,2% tỷ trọng giá trị xuất khẩu tôm cả nước), có tới 5 thị trường giảm mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 15,6%; EU giảm 24,8%; Canada giảm 14,1%; ASEAN giảm 22,2%; Thụy Sỹ giảm 10,5%...

Nguyên nhân sụt giảm giá trị xuất khẩu, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), do năm qua xuất khẩu tôm Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn cả trong nước và trên thị trường tiêu thụ. Trong đó, có 4 nguyên nhân chính: dịch bệnh làm tôm chết sớm xảy ra ở nhiều vùng nuôi tôm khiến nguồn và giá tôm nguyên liệu bất ổn; Chi phí đầu vào sản xuất tôm tăng 15-20%, trong khi tỷ lệ thành công trong sản xuất tôm của Việt Nam chỉ đạt 30-40% (còn Thái Lan đạt tới 70%); rào cản Ethoxyquin từ thị trường nhập khẩu lớn nhất là Nhật Bản khiến đầu ra giảm mạnh; nhu cầu của các thị trường nhập khẩu giảm mạnh.

4 thách thức cho năm 2013

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xu hướng ngành tôm Việt Nam năm 2013 sẽ phải đối mặt với 4 thách thức chính:

Một là, dịch bệnh và hội chứng tôm chết sớm (EMS) đối với tôm nuôi công nghiệp (kể cả tôm sú và tôm chân trắng) sẽ làm giảm mạnh sản lượng tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Trong khi sản lượng tôm nuôi công nghiệp chiếm tới 60% sản lượng tôm nguyên liệu của cả nước, thì đến nay chưa có thuốc chữa EMS.

Hai là, cạnh tranh thu mua tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL (khu vực chiếm 75% sản lượng tôm nuôi của cả nước) với lực lượng thu gom tôm cho xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Trong cuộc cạnh tranh này, nhóm thu mua cho Trung Quốc có lợi thế hơn so với doanh nghiệp tôm Việt Nam về mặt kiểm tra, kiểm soát chất lượng.

Ba là, thị trường tiêu thụ tiếp tục khó khăn do sự khó khăn của nền kinh tế nhiều nước nhập khẩu tôm của Việt Nam (EU, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản...), có thể giảm lượng nhập khẩu tôm.

Bốn là, rào cản Ethoxyquin từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là hai thị trường chủ lực và ổn định nhập khẩu tôm của Việt Nam những năm qua.

Bên cạnh 4 thách thức này, theo VASEP, ngành tôm sẽ tiếp tục phải đối mặt với thiếu vốn, chi phí sản xuất gia tăng và thuế nhập khẩu tôm vẫn ở mức cao từ 10-15%.

Kịch bản khả quan nhất, xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD

VASEP dự báo năm 2013, sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam có thể diễn ra theo 1 trong 3 kịch bản, gồm: Khả quan, Duy trì và Kém khả quan.

Ngành tôm còn đối mặt nhiều khó khăn năm 2013, trường hợp xấu nhất, giá trị xuất khẩu có thể giảm 13% so với năm 2012

Trong đó, kịch bản được cho là khả quan sẽ diễn ra khi 4 thách thức trên được giải quyết hoặc giảm thiểu mức độ ảnh hưởng. Khi đó, dự báo nguồn tôm nguyên liệu sẽ tăng so với năm 2012, sản lượng tôm xuất khẩu sẽ đạt khoảng 240.000 tấn, giá trị xuất khẩu sẽ giữ mức 2,4 tỷ USD và tăng khoảng 6,5% so với năm 2012.

Đối với kịch bản duy trì, VASEP giả định dịch bệnh EMS có giải pháp chữa và vấn đề Ethoxyquin cũng được tháo gỡ. Khi đó, dự báo sản xuất và xuất khẩu tôm vẫn sẽ khó khăn vì những thách thức khác. Như vậy, nguồn cung nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu không đủ, nhập khẩu tôm có thể phải tăng lên trên 200 triệu USD/năm. Hơn nữa, có thể giá tôm xuất khẩu tăng, khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam càng bị ảnh hưởng, đối tác nhập khẩu sẽ hạn chế.

Khi đó, dự báo sản lượng xuất khẩu ở kịch bản này có thể đạt 220.000 tấn, trị giá khoảng 2,2 tỷ USD, tương đương giá trị năm 2012.

Còn đối với kịch bản kém khả quan, trong bối cảnh 2 thách thức dịch bệnh, hội chứng EMS và rào cản Ethoxyquin từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc không có giải pháp, cùng khó khăn về chi phí gia tăng, thuế nhập khẩu nguyên liệu tăng. Khi đó, năm 2013 ngành tôm xảy ra nhiều thay đổi lớn. Cụ thể, dự báo nguồn cung có thể giảm tới 30-40%, tôm sú nuôi quảng canh có cơ hội phát triển nhưng sản lượng nuôi sẽ thấp, sản lượng tôm chân trắng sụt giảm nghiêm trọng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu tôm về để gia công chế biến xuất khẩu, giá trung bình tôm xuất khẩu sẽ tăng do cầu lớn hơn cung.

Trong kịch bản này, dự báo sản lượng tôm xuất khẩu có thể đạt dưới 200.000 tấn, trị giá khoảng 1,9 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2012./.