Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam quý III/2012 đạt 610,199 triệu USD, giảm 3,9% so với quý II/2012 và giảm 15,2% so với quý III/2011. Kết quả xuất khẩu tôm 3 quý đầu năm 2012 giảm 3,9% so với cùng kỳ 2011.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm quý IV/2012 sẽ đạt 650 triệu USD, tăng 6,5% so với quý III, nhưng giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường chững lại.
Tính đến hết quý III/2012, giá trị xuất khẩu tôm chỉ đạt trên 1,62 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2012 xuất khẩu tôm sẽ đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 8,3% so với mức 2,4 tỷ USD của năm 2011.
Phân tích nguyên nhân xuất khẩu tôm sẽ không đạt ngưỡng 2,4 tỷ USD, VASEP cho rằng: Trong quý IV, nguồn cung tôm nguyên liệu (từ sản xuất trong nước và nhập khẩu) sẽ đủ cho chế biến và xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu dịp cuối năm của các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới không tăng mạnh như các năm trước. Giá tôm nguyên liệu sẽ tăng lên do vụ thu hoạch sẽ kết thúc trong quý này cộng với nhu cầu mua hàng của các doanh nghiệp cũng tăng lên.
Cạnh đó, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản phụ thuộc rất lớn vào vấn đề Ethoxyquin. Nếu vẫn tiếp tục phải đối mặt với vấn đề này, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong quý IV sẽ khó tăng trưởng dương.
Đối với thị trường Mỹ, VASEP dự báo xuất khẩu tôm vào đây sẽ chỉ tương đương với quý III, đạt 127 triệu USD, do lượng dự trữ tôm của Mỹ còn nhiều. Đồng thời, khó khăn từ thị trường Nhật Bản do Ethoxyquin áp dụng đối với tôm Ấn Độ và Việt Nam sẽ khiến Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ. Do đó, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường Mỹ trong quý IV tới.
VASEP còn nhận định, nhu cầu tiêu thụ tôm trên thị trường EU trong quý IV cũng khó tăng lên, do đang trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các sản phẩm cao cấp cũng khó tiêu thụ mạnh.
Riêng thị trường Trung Quốc được dự báo xuất khẩu tôm sang đây sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng khả quan trong quý IV. Còn thị trường Australia những tháng cuối năm dự báo sẽ tiếp tục duy trì sức tăng trưởng tốt do nhu cầu ổn định và đây được coi là một trong những đầu ra tiềm năng trong bối cảnh thị trường Nhật Bản khó khăn như hiện nay./.