Có đất đai rộng lớn, trước đây, bà con vùng cao Tây Bắc thường chỉ cấy trồng lúa, ngô theo hướng “tự cung tự cấp”, thế nhưng hôm nay thì khác. Từ những đổi mới trong tư duy làm ăn, nhiều cây trồng mới đã hiện hữu trên các sườn đồi, hình thành nên những vùng chuyên canh rộng lớn, sản phẩm dồi dào, chất lượng tốt, trở thành điểm đến của các doanh nghiệp chuyên về chế biến nông sản.
Tỉnh Sơn La là một ví dụ. Với hơn 82.000 hecta cây ăn quả, sản lượng đạt trên 450.000 tấn/năm, địa phương này hiện là một trong những vựa trái cây lớn nhất miền Bắc và cả nước. Nhờ chú trọng khâu sản xuất, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao, các doanh nghiệp không chỉ tìm đến đóng hàng phục vụ xuất khẩu, mà còn xây dựng các nhà máy chế biến tại chỗ.
Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La (thuộc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao) mới đây đã đi vào hoạt động ở huyện Mai Sơn. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Chi nhánh Sơn La cho biết: Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La là tổ hợp chế biến hiện đại khép kín từ khâu liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu đến chế biến tinh, chế biến sâu, cùng hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Với quy mô hơn 50.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, dự án đi vào hoạt động đã và sẽ tiêu thụ hơn 500.000 tấn rau quả các loại mỗi năm, như: xoài, chanh leo, bơ…., qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động địa phương, từ người sản xuất đến các công nhân trong dây chuyền nhà máy.
“Khi vùng nguyên liệu ổn định, nhà máy chế biến và cơ chế chính sách của tỉnh tốt thì chúng tôi sẽ gắn bó rất lâu dài. Rất cảm ơn tỉnh Sơn La đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể triển khai thành công dự án này và hy vọng chúng tôi sẽ đóng góp một phần nhỏ bé trong công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh”, ông Nguyễn Thanh Tùng nói.
Nắm bắt được nhu cầu mua sản phẩm của các nhà đầu tư, các đơn vị chuyên canh cây ăn quả và người nông dân Sơn La đã và đang tập trung nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa sản lượng và chất lượng sản phẩm. Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: HTX hiện có gần 15 hecta xoài theo tiêu chuẩn VietGap và cấp mã số vùng trồng xuất khẩu; ngoài ra, HTX còn liên kết với 30 hộ dân trồng xoài với diện tích 25 hecta.
“Để làm tốt công tác sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, HTX chúng tôi đã đề ra ngay từ đầu năm sẽ sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP và theo tiêu chuẩn mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm lên là mục tiêu lớn nhất”, ông Hà Văn Sơn chia sẻ.
Cùng với Sơn La, tỉnh biên giới Lai Châu hiện cũng đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung quy mô lớn như trên 8.000 hecta chè, gần 13.000 hecta cao su, trên 5.000 hecta mắc ca, 4.000 hecta chuối... Sau hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Lai Châu tổ chức cuối năm 2021, đến nay, có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp vào địa phương.
Ông Trần Bảo Trung, Quyền Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ - một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Lai Châu cho biết: Hiện trên địa bàn có gần 4.000 heca chuối và đang phát triển nhiều vùng cây trồng chủ lực mới như quế, mắc ca, xoài, chanh leo... Huyện sẽ tạo điều kiện tối đa để thu hút các doanh nghiệp vào liên kết đầu tư, tạo hướng phát triển bền vững cho bà con nông dân.
“Sau khi đã tìm được nguồn ra bao tiêu sản phẩm ổn định, chúng tôi sẽ vận dụng các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn cân đối ngân sách huyện để hỗ trợ bà con tiếp tục phát triển. Song song với đó, chúng tôi tiếp tục thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết với bà con nông dân trồng theo quy trình an toàn thực phẩm”, ông Trần Bảo Trung cho hay.
Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, các tỉnh Tây Bắc còn là “địa chỉ yêu thích” cho các nhà đầu tư về thủy điện do có nhiều lưu vực sông, suối. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cũng đang tính toán về những dự án điện khá mới mẻ, dựa trên điều kiện tự nhiên, khí hậu của vùng.
Giám đốc điều hành Tập đoàn Erex Nhật Bản, ông Kakuta Tomoki cho biết, đơn vị đang mong muốn xây dựng nhà máy sản xuất điện sinh khối công suất 100 MW tại tỉnh Yên Bái của Việt Nam: “Chúng tôi đã khảo sát rất nhiều vùng từ Bắc – Trung – Nam của Việt Nam. Để xây dựng nhà máy điện cần đường giao thông lớn để có thể vận chuyển thiết bị vào xây dựng nhà máy. Đồng thời, điện sản xuất ra cần truyền tải lên hệ thống điện quốc gia; hơn thế nữa, cần phải thu gom nhiên liệu từ nhiều vùng xung quanh về phục vụ nhà máy. Với tất cả các điều kiện nêu trên, Yên Bái là tỉnh có đầy đủ các điều kiện cần thiết. Chúng tôi cảm thấy được tiềm năng rất lớn của Yên Bái nên mong muốn đầu tư phát triển nhà máy điện sinh khối tại đây”.
Trước đây, nói đến Tây Bắc, nhiều nhà đầu tư “chùn chân” bởi địa hình rộng lớn, chia cắt, rất khó khăn trong việc vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. Thế nhưng hiện nay, điều đó không còn là rào cản. Với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài hơn 240 km, việc di chuyển từ Lào Cai về Hà Nội chỉ mất khoảng 4 giờ đồng hồ; còn di chuyển từ Yên Bái về Hà Nội chưa đầy 2 tiếng. Quốc lộ 6 với mặt đường khá êm thuận cũng giúp việc di chuyển từ Sơn La, Điện Biên về Hà Nội tương đối thuận tiện, chưa kể dự án đường cao tốc nối các tỉnh này với thủ đô sắp tới sẽ được triển khai, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư đến với Tây Bắc.
Nắm bắt ưu thế này, các tỉnh vùng Tây Bắc đã mở cửa đón các nhà đầu tư bằng những chính sách rất mới, rất mở. Trong đó, chú trọng chuẩn bị kỹ lưỡng về quỹ đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; tăng cường cải cách hành chính; đẩy mạnh cơ chế chính sách để thu hút đầu tư…
“Tỉnh cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin kinh tế, xã hội, quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư cho các nhà đầu tư. Tiếp tục triển khai hiệu quả, linh hoạt các chính sách, chương trình, kế hoạch đã ban hành như: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư, chính sách phát triển kinh tế tập thể và danh mục kêu gọi các dự án đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo bước chuyển biến thực sự rõ nét về chất, nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư”, ông Đoàn Hữu Phung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái thông tin.
Sự thân thiện, cởi mở ấy của các địa phương Tây Bắc đã giúp các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm và phấn khởi khi đến tìm hiểu, cũng như đầu tư tại đây. Ông Bùi Minh Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Bình Minh - đơn vị đầu tư tại tỉnh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi rất tin tưởng vào các chính sách đầu tư của địa phương. Đặc biệt là việc tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành tạo điều kiện các thủ tục về hành chính, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo những điều kiện thuận lợi nhất trong đào tạo nhân lực...”.
Thống kê cho thấy, với những lợi thế của mình, Tây Bắc đã và đang là điểm dừng chân của rất nhiều nhà đầu tư. Cụ thể, trong 3 năm trở lại đây, tỉnh Sơn La đã phê duyệt mới, cấp mới Chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 116 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư ban đầu là 10.070 tỷ đồng; Tỉnh Lai Châu cũng đã thu hút và đang quản lý gần 160 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký đạt gần 83.000 tỷ đồng; Tỉnh Yên Bái hiện có 570 dự án còn hiệu lực hoạt động, trong đó có 34 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 86.000 tỷ đồng và 462,5 triệu USD. Riêng tỉnh được coi là “trung tâm kinh tế” của vùng là Lào Cai, giá trị các dự án mà các nhà đầu tư đăng ký trong giai đoạn 2020 - 2030 đạt 125.000 tỷ đồng (tương đương 5,3 tỷ USD)…
Bằng những cam kết và hành động cụ thể để nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, tạo hành lang pháp lý tốt hơn, đồng bộ và thông thoáng hơn, Tây Bắc chắc chắn sẽ tiếp tục trở thành điểm đến đầy tiềm năng và hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới./.