Nông nghiệp cũng là ngành đang được tỉnh Gia Lai tạo nhiều điều kiện để thu hút đầu tư. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Võ Ngọc Thành- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, tỉnh đã có những thành tựu gì trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?
Ông Võ Ngọc Thành: Với tiềm năng thế mạnh về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, với các chính sách hướng về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm về nông nghiệp, Gia Lai đã có sự chuyển hướng rất mạnh mẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và của các tập đoàn lớn nghiên cứu, tìm hiểu và tham gia đầu tư. Có một số tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn như Doveco, Trường Hải, Hoàng Anh Gia Lai cũng đang tập trung vào các lĩnh vực đầu tư về nông nghiệp.
Một số doanh nghiệp đã khởi công và triển khai các mô hình sản xuất rất thành công, đã tạo ra sức hút các nhà đầu tư khác; đồng thời tạo ra sự chuyển biến căn bản trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn của tỉnh và hình thành các vùng nguyên liệu tập trung. Trong đó đã tạo ra sự liên kết trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, làm cho sản xuất nông nghiệp tỉnh Gia Lai bước đầu có sự đột phá. Thu nhập của xã viên, của người dân được tăng lên; bộ mặt nông thôn đã được cải thiện một bước, góp phần đáng kể cho việc hình thành xây dựng nông thôn mới ở các địa phương của tỉnh.
Phóng viên: Thời gian qua, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Gia Lai đã tạo thêm những điều kiện thuận lợi gì để thu hút doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thưa ông?
Ông Võ Ngọc Thành: Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đưa ra 4 chương trình hành động và sau này bổ sung thêm một chương trình hành động nữa là 5 chương trình hành động. Chúng tôi cho rằng, đây là những định hướng rất cơ bản để thúc đẩy các lĩnh vực phát triển và cũng là cẩm nang để UBND tỉnh Gia Lai xây dựng các kế hoạch và chương trình hành động để thực hiện nghị quyết này.
Nghị quyết thứ nhất về xây dựng nguồn nhân lực đối với hệ thống chính trị ở các cấp để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Nghị quyết thứ hai về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để phục vụ cho phát triển sản xuất. Nghị quyết thứ ba về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư các lĩnh vực như là nông nghiệp công nghệ cao, công nghệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030 (Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 20/2/2022). Nghị quyết thứ tư về phát triển xanh, về việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng, tăng độ che phủ rừng và tạo sinh kế cho người dân dưới tán rừng. Và nghị quyết thứ năm mới vừa ban hành về chuyển đổi số.
Hiện nay, tỉnh ban hành một số chương trình hành động, trên cơ sở đó sẽ xây dựng một số chính sách phù hợp với đầu tư, phát triển cũng như các chính sách để kêu gọi thu hút các nguồn lực đầu tư để làm thế nào tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đến và ở lại đầu tư tại tỉnh.
Phóng viên: Để ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên, trong đó có nông nghiệp tỉnh Gia Lai phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, địa phương mong muốn, kiến nghị gì đối với trung ương, thưa ông?
Ông Võ Ngọc Thành: Tôi nghĩ rằng dịch chuyển sản xuất các loại cây trồng từ miền Tây Nam Bộ đến Tây Nguyên sẽ là một xu hướng trong tương lai. Nhưng làm thế nào để chúng ta đi tắt, đón đầu thì các tỉnh cũng đang nghiên cứu hướng đi của mình trên cơ sở liên kết vùng. Bộ Chính trị đang chuẩn bị tổng kết nghị quyết X và XII của Bộ Chính trị, đồng thời xây dựng cơ chế phát triển của khu vực Tây Nguyên. Tôi hy vọng Nghị quyết này sẽ tạo ra đột phá mới, chúng tôi sẵn sàng nghiên cứu, tham gia một cách hết sức đầy đủ ở Nghị quyết này. Làm thế nào để Tây Nguyên có sự bứt phá đi lên một cách bền vững và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, để khai thác các tiềm năng thế mạnh mà Tây Nguyên vốn có. Thứ hai là cần có cơ chế riêng cho vùng Tây Nguyên. Và tôi hy vọng rằng Nghị quyết của Trung ương sắp tới đối với vùng Tây Nguyên cũng giống như vừa rồi mới ban hành với vùng Tây Nam Bộ sẽ cởi trói cho Tây Nguyên để phát triển.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông!