Tính đến ngày 19/8, các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức mới chi hỗ trợ gần 527.000 lượt người lao động của hơn 15.100 lượt doanh nghiệp, với tổng số tiền hơn 281 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 15,85% so với dự toán kinh phí hỗ trợ của UBND TP.HCM. Hiện các địa phương đang gấp rút giải quyết vướng mắc trong việc giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động để kịp tiến độ chi trả đến hết ngày 31/8/2022.
Nỗ lực giải ngân
Chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động được triển khai tại TP.HCM đang tạo hiệu ứng tốt về an sinh xã hội. Nhiều công nhân lao động khó khăn bày tỏ họ cảm thấy rất vui khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, nhờ vậy họ đỡ được phần nào chi phí, cuộc sống trước mắt cũng vơi bớt nhọc nhằn.
"Tôi làm ở công ty lâu nên thủ tục hỗ trợ cũng nhanh hơn, hồ sơ làm khá nhanh. Tiền thuê trọ chiếm một khoản lớn trong lương nên chính sách này rất tốt cho công nhân như mình. Có điều khu mình ở, chủ trọ không ở cùng nên mong là thủ tục nhanh gọn hơn một tý, vì phần lớn anh chị em cũng khó khăn", một công nhân ở TP.HCM cho hay.
Hiện vẫn còn rất nhiều lao động chưa nhận được khoản hỗ trợ này. Theo một số doanh nghiệp, không ít hồ sơ nhận tiền hỗ trợ thuê nhà gặp trục trặc vì thông tin của người thụ hưởng còn thiếu hoặc sai quy định, như: sai địa chỉ nơi trọ, hợp đồng lao động, thiếu một số giấy tờ cá nhân... Hầu hết các doanh nghiệp đã cố gắng hết sức để người lao động nhanh chóng được nhận tiền hỗ trợ thuê trọ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn cho biết: "Phòng Hành chính - Nhân sự rồi Công đoàn triển khai sâu sát, hỗ trợ người lao động cập nhật giấy tờ. Chúng tôi cũng có một số vấn đề, có bạn gặp trục trặc giấy tờ nhưng mình vẫn tạo điều kiện, hướng dẫn các bạn bổ sung cho đủ. Hiện người lao động nhận được 2 đợt rồi, đây là đợt cuối, đang chờ kinh phí từ quận về...".
Thực tế triển khai gói hỗ trợ thuê nhà cho công nhân còn vướng khó khăn, dẫn đến khâu giải quyết chậm. Một số ý kiến đề xuất có thể hỗ trợ trực tiếp qua doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp ứng trước, sau đó chuyển lại cho doanh nghiệp.
Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, cách giải quyết như vậy khá hợp lý và sẽ giúp việc chi tiền hỗ trợ được thuận lợi, nhanh chóng.
"Nên để cho doanh nghiệp xác nhận vì người lao động cũng có tham gia bảo hiểm, sau đó nếu như họ không thực hiện được đầy đủ thủ tục, cơ quan bảo hiểm hoặc Liên đoàn Lao động xác nhận họ có làm việc, có tham gia nộp bảo hiểm. Mình linh động giải quyết kịp thời cho công nhân, người lao động. Đây là việc làm tích cực của Chính phủ, Nhà nước, quan trọng là phải làm nhanh để họ không cảm thấy quá khó", ông Vũ nói.
Gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ
Quy định về hồ sơ, thủ tục hỗ trợ công nhân thuê trọ là hợp lý, tuy người lao động cũng cố gắng nhưng đôi khi vẫn rơi vào thế khó. Bà Phạm Thị Thanh Trinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kado Việt Nam cho biết, nhiều lao động nhập cư tuy đủ điều kiện nhận hỗ trợ nhưng do nơi cư trú không ổn định nên việc xác nhận khó khăn. Do đó, cần có giải pháp cho vấn đề này để tiến độ hỗ trợ không bị chậm trễ.
"Để giải ngân thì bảo hiểm là một khâu kiểm soát tốt. Nghĩa là người lao động có đóng bảo hiểm xã hội thì mới được đưa vào danh sách hỗ trợ. Vậy thì bước thứ hai là xác nhận là người ta đang thuê trọ, là đối tượng cần được hỗ trợ thì nên để doanh nghiệp xác nhận. Hoặc nếu doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp thì có thể nhờ Ban quản lý khu công nghiệp xác nhận thêm lần nữa thì sẽ nhanh gọn hơn. Chứ đợi đăng ký tạm vắng, tạm trú thì thực ra cuộc sống của công nhân bấp bênh, khó khăn, khi có con đi học thì mới đăng ký, chứ bản thân họ chuyển trọ thì cũng ít khi đăng ký tạm trú lại, cho nên không có giấy", bà Trinh cho biết.
Bên cạnh đó, việc chậm tiến độ chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động còn liên quan đến việc chưa thống nhất được phương thức chuyển và nhận tiền giữa doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, một số địa phương có đông lao động nhập cư cũng đang thiếu nhân lực để giải quyết nhanh chóng lượng lớn hồ sơ hiện nay.
Ông Huỳnh Thanh Tới, Trưởng phòng Lao động. Thương binh và Xã hội quận Bình Tân cho hay số hồ sơ ở địa phương đã được duyệt là 171.845 lượt người lao động, nhưng việc quyết toán của doanh nghiệp có một số khó khăn.
"Thứ nhất là chuyển khoản mất phí nên họ tự chi tiền mặt. Thứ hai là số tài khoản của doanh nghiệp cung cấp cho mình và số tài khoản chuyển cho người lao động là khác nhau. Họ chuyển qua Internet Banking thì không có ủy nhiệm chi. Rồi số tài khoản cung cấp cho họ lúc đầu ví dụ là tài khoản A, sau đó người lao động lại sử dụng tài khoản B, thì doanh nghiệp chuyển vào tài khoản không đúng với tài khoản gửi lên duyệt", ông Thới nói.
Theo quy định, khi doanh nghiệp nhận được tiền thì phải chi cho người lao động chậm nhất 2 ngày và thanh quyết toán chậm nhất 5 ngày, nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp không đảm bảo được thời hạn này. Vì vậy, để người lao động nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà nhanh chóng, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND TP chỉ đạo Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP, lãnh đạo các phường-xã, quận-huyện và Liên đoàn Lao động có trách nhiệm đôn đốc, nhanh chóng chi tiền hỗ trợ thuê nhà cho các đối tượng đủ điều kiện.
"Trách nhiệm của cấp quận, huyện là phải thẩm định, phê duyệt hồ sơ của doanh nghiệp đã nộp cho quận, huyện. Địa phương phải huy động các lực lượng đang có, phía chính quyền thì UBND, Chủ tịch quận phải vào cuộc, chỉ đạo các phòng ban khác hỗ trợ cho Phòng lao động", ông Thinh nói.
Việc chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động tại TP.HCM phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/8/2022. UBND TP đã yêu cầu các địa phương đề ra biện pháp quyết liệt hơn; đồng thời lập 4 đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, giúp công nhân lao động yên tâm làm việc, góp phần ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh./.