Từ tuần tới, Google sẽ triển khai một chiến dịch nhằm giải quyết vấn đề thông tin sai lệch ở Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc về người tị nạn Ukraine. Chiến dịch này xuất phát từ công ty con Jigsaw của Alphabet, dựa trên nghiên cứu của các nhà tâm lý học tại 2 trường Đại học ở Anh là Cambridge và Bristol.

Theo đó, các nhà tâm lý học từ các trường Đại học này đã làm việc với Jigsaw để sản xuất các clip dài khoảng 90 giây, được thiết kế để giúp người dùng chống lại nội dung có hại trên mạng xã hội. Các video clip sẽ chạy trong các vị trí quảng cáo trên YouTube và cả trên các nền tảng mạng xã hội khác như Twitter, TikTok và Facebook nhằm giúp mọi người xác định các hành vi thao túng cảm xúc trong tiêu đề tin tức.

Công ty Jigsaw được tạo ra từ các nỗ lực sử dụng công nghệ để chống lại các thách thức đang ảnh hưởng đến thế giới, như vấn đề khủng bố, tội phạm trực tuyến. Công ty này trước đây được gọi là Google Ideas, nhằm khám phá các giải pháp công nghệ để giúp người dùng truy cập trực tuyến, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển.

Nhìn từ vấn nạn thông tin giả trong cuộc xung đột Nga và Ukraine, việc lan truyền thông tin sai lệch và giả mạo ở châu Âu và Mỹ thông qua các mạng xã hội đã buộc chính phủ các nước phải thúc đẩy các đạo luật mới, để ngăn chặn các chiến dịch thông tin sai lệch.

Đại diện bộ phận nghiên cứu của Jigsaw - bà Beth Goldberg cho biết, đây là một thử nghiệm và không có lý do gì mà cách tiếp cận này không được áp dụng cho các quốc gia khác nhau. Bà cũng cho biết thêm, Ba Lan sẽ là quốc gia được chọn vì nước này có nhiều người tị nạn từ Ukraine nhất trong châu Âu, tiếp đó là Cộng hòa Séc và Slovakia cũng là những khu vực quan trọng để mở rộng chiến dịch này./.