Cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia ngày 31/7 vừa qua nhằm thống nhất mức lương tối thiểu vùng năm 2015 để trình Chính phủ đã không đi tới kết quả cuối cùng, do 3 mức đề xuất của đại diện 3 bên vênh nhau khá lớn.

Theo đó, đại diện Tổ chức sử dụng người lao động đề xuất mức lương tối thiểu vùng 1, áp dụng từ năm 2015 là: 3.000.000 đồng/người/tháng (tăng 11% so với mức lương tối thiểu cũ); đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra mức 3.050.000 đồng/người/tháng (tăng 14% so với mức lương tối thiểu cũ); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra mức 3.400.000 đồng/người/tháng (tăng 23% so với mức lương tối thiểu cũ).

Theo kế hoạch, ngày mai (6/8), Hội đồng tiền lương Quốc gia tiếp tục họp bàn về vấn đề này. Trước khi diễn ra phiên họp, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân – Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia về nội dung liên quan.

PV:Thưa ông, hiện nay quan điểm của các thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia vẫn còn khác nhau. Vậy quan điểm của ông như thế nào về lộ trình tăng lương tối thiểu vùng năm 2015?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Lương tối thiểu là vấn đề đang gặp khó khăn. Đại diện cho người lao động và bản thân người lao động luôn mong muốn được điều chỉnh mức lương cao hơn để đảm bảo có cuộc sống tốt hơn.

onghuan_stls.jpgThứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia. (Ảnh: KT)
Nhưng phía người sử dụng lao động lúc nào cũng tính đến các yếu tố khó khăn trong đầu vào của doanh nghiệp cũng như vấn đề suy thoái nền kinh tế tác động đến doanh nghiệp. Nếu chúng ta tăng chi phí, trong đó tăng tiền lương thì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận cũng như khả năng chi trả của doanh nghiệp. Cho nên tiếng nói của 2 bên rất ít khi gặp nhau.

Tôi đã từng nghĩ ở Việt Nam, Hội đồng lương tối thiểu dễ thông qua, nhưng năm nay đã xuất hiện tình huống là chuẩn bị vào bỏ phiếu thì một bên rút lui, không tham gia bỏ phiếu và Hội đồng phải quyết định ngày 6/8 họp lại.

Tôi không biết ngày 6/8, Tổng liên đoàn và phía sử dụng lao động là VCCI có gì thay đổi so với cuộc họp hôm trước không. Tôi nghĩ khoảng cách hiện nay đang rất lớn nên rất khó.

Quan điểm của những người đại diện cho Nhà nước phải dung hòa, rất mong muốn tăng lương cao cho người lao động nhưng phải chú ý đến điều kiện thực tế của doanh nghiệp để doanh nghiệp còn có khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp tồn tại, phát triển được. Đây là bài toán mà ngày mai Hội đồng tiền lương Quốc gia phải giải quyết.

PV: Hiện nay, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất lương tối thiểu tăng thêm 14%. Vậy theo ông mức 14% này đã dung hòa được các bên chưa?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Tôi nghĩ nếu Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vẫn không thay đổi phương án thì 14% mà Bộ đưa ra cũng chưa giải quyết được. Còn nếu Tổng liên đoàn thay đổi phương án so với phương án trước đây thì tôi nghĩ là phương án này đã dung hòa rồi.

PV:Thưa ông, nếu ngày mai Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn giữ nguyên ý kiến là tăng 23% lương tối thiểu vùng vào năm tới, thì Hội đồng tiền lương Quốc gia phải giải quyết như thế nào?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Trong quy chế hoạt động của Hội đồng tiền lương Quốc gia thì chỉ họp một số lần thôi. Nếu bỏ phiếu không có sự đồng thuận thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia phải quyết định và đưa ra phương án tư vấn cho Chính phủ.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.