Việc các trạm thu phí BOT liên tục được đưa vào sử dụng không chỉ làm dư luận, các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải bức xúc vì các loại phí cứ tăng vùn vụt, hệ thống đường bộ bị cắt khúc còn người dân không ngừng bị ám ảnh bởi “ma trận” trạm thu phí bủa vây.

Đầu tư chưa thỏa đáng, mức thu phí quá cao

Trạm thu phí Xuân Mai – Hòa Bình (trên tuyến quốc lộ 6) là Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình theo hình thức BOT có tổng mức đầu từ gần 3.000 tỷ đồng.

Đây là Dự án do Liên danh nhà đầu tư trong nước là Tổng công ty 36 – Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần Trường Lộc là nhà đầu tư.

xuan_mai_wwza.gif
Ngay trong ngày đầu tiên hoạt động (20/10), trạm thu phí Xuân Mai - Hòa Bình gây bức xúc dư luận.

Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình đã được Bộ GT-VT chấp thuận thu phí QL6 (đoạn Xuân Mai - Hòa Bình) vào 0h00’, ngày 20/10/2015. Mức thu phí được áp dụng theo Thông tư số 122 của Bộ Tài chính. Gồm 5 loại vé, thấp nhất: 25.000 đồng /vé/lượt với xe dưới 12 chỗ, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng, cao nhất: 180.000 đồng/vé/lượt với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container chở hàng 40 fit.

Mấy ngày qua, trạm thu phí Xuân Mai - Hòa Bình đã gặp phải cản trở từ phía người dân và các lái xe đi qua khu vực trạm thu. Nhiều lái xe không đồng tình với mức thu phí đã cho xe dừng, đỗ trước trạm gây ách tắc giao thông.

Trước thực trạng trên, lực lượng cảnh sát giao thông và công an khu vực đã phải có mặt tại trạm thu phí để khuyên nhủ các chủ phương tiện và giải quyết sự việc. Đến khoảng 9h sáng cùng ngày, các lái xe mới chịu di dời phương tiện ra khỏi khu vực trạm thu phí, tình hình giao thông mới được ổn định trở lại.

Lực lượng CSGT và công an khu vực phải có mặt để thương thuyết với các lái xe, tình hình giao thông mới ổn định trở lại.

Tuy nhiên, do quá bức xúc trước việc phải trả tiền để đi qua trạm thu phí, khoảng hơn 20 lái xe vẫn cố gắng nán lại Nhà điều hành của trạm thu phí để đòi chủ đầu tư và phía công ty TNHH BOT Hòa Lạc – Hòa Bình phải giải thích rõ về mức thu và phương hướng hỗ trợ đối với các lái xe phải di chuyển nhiều lần trong một ngày qua khu vực này.

Một lái xe cho biết: “Chúng tôi là người dân chuyên đưa con đi học, từ nhà xuống thị trấn mất có quãng đường là 3km. Bây giờ cứ mỗi 1 ngày 2 lượt đi học mất 50.000 đồng thì tiền đâu để đi. Con của chúng tôi chỉ có mù chữ thôi”.

Biểu mức thu phí khi di chuyển qua trạm Xuân Mai - Hòa Bình.

Nhiều người cho rằng việc đặt trạm thu phí BOT theo kiểu “ngẫu hứng” thích đặt đâu thì đặt với mục đích là phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là chưa hợp lý. Để có tiền nộp qua trạm thu phí, người kinh doanh buộc phải tăng giá hàng hóa vận chuyển cho các đầu mối, nếu đầu mối không chấp thuận thì đương nhiên người lao động bị rơi vào cảnh thất nghiệp. Chắc chắn không có một nền kinh tế địa phương nào có thể phát triển được khi có quá nhiều người thất nghiệp. Do đó, việc đặt trạm thu phí BOT đã vô hình chung kéo giảm đời sống của người dân.

Một lái xe khác bức xúc: “Đây là tuyến đường huyết mạch của Tây Bắc và chúng tôi là những người trực tiếp ở địa phương, nhận thấy mức độ đầu tư là chưa thỏa đáng trong đó mức thu lại cao hơn các trạm thu phí khác. Nông dân đi chở lúa, chở ngô thỉnh thoảng mới có mối hàng, việc thu tiền phí đã vô hình dung làm sự phát triển của địa phương chậm lại”.

Đi đường tốt là phải nộp tiền

Trước những thắc mắc của lái xe, ông Trần Văn Phòng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH BOT Hòa Lạc – Hòa Bình đã có những giải thích cho mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề. Ông Phòng cho rằng, việc đặt trạm thu phí BOT là quyết định của cơ quan chức năng Nhà nước. Việc đầu tư cải tạo chất lượng đường sá sẽ giúp người dân không chỉ tham gia giao thông dễ dàng hơn mà còn cải tạo đáng kể năng lực kinh doanh. Do đó, việc người kinh doanh vận tải phải đóng tiền qua trạm thu phí là điều hết sức bình thường.

Đối với những trường hợp khó khăn của người dân như việc đưa đón con đi học, ông Phòng hứa sẽ cùng chính quyền tỉnh Hòa Bình phối hợp để tìm ra giải pháp hợp lý nhất.

Ông Trần Văn Phòng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH BOT Hòa Lạc – Hòa Bình giải thích với các lái xe.

Ông Trần Văn Phòng cho biết: “Cá nhân tôi nghĩ đầu tiên phải hiểu dân, những người dân bị ảnh hưởng thực sự thì mình đặt mình vào hoàn cảnh người ta để tìm ra cách giải quyết. Còn đối với doanh nghiệp những người đi kinh doanh qua đường được nâng cấp thì đề nghị đòi giảm phí thực sự vô lý. Những xe chở gạch, đá là nguyên nhân chính gây ra việc hư hỏng đường, tại sao lại đòi giảm phí? Chúng ta cần phải có những giải pháp mạnh mẽ giải quyết vấn đề này dứt điểm”.

Đối với việc mức thu phí cao và phản ảnh của người dân về việc đầu tư chưa đến nơi đến chốn đã thu tiền. Thiếu tá  Bùi Quang Bát – Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6-Hòa Lạc-Hòa Bình cho biết: "Người dân vẫn quen theo cách hiểu, làm có con đường 30km mà lại thu phí cao, mà ít người hiểu được, nếu không thu phí dự án này thì dự án Hòa Lạc – Hòa Bình sẽ không ai dám đầu tư vì chi phí quá cao, chính vì thế phải thu phí trước”.

Nhiều lái xe khẳng định nếu không tìm được tiếng nói chung họ sẽ tiếp tục cho xe chặn trạm thu phí.

Trước những lý giải của Chủ đầu tư và phía công ty TNHH BOT Hòa Lạc – Hòa Bình, nhiều lái xe vẫn không chấp nhận. Họ vẫn một mực cho rằng việc đặt trạm thu phí BOT là không hợp lý và mức thu phí vẫn còn quá cao. Trong những ngày sắp tới nếu vấn đề không được giải quyết một cách thỏa đáng thì việc tài xế mang xe ra chặn đường, chặn trạm là không thể tránh khỏi.

Để thu hút đầu tư hạ tầng, Nhà nước đã có cơ chế đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng qua việc thu phí các tuyến đường BOT. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận thực tế, các trạm thu phí BOT đang ngày một mọc lên nhiều hơn, trong khi đó người dân địa phương không có đường dân sinh thay thế, không chịu được phí cho sự di chuyển hàng ngày dẫn đến những xung đột lợi ích./.