Từ ngày 6/10 vừa qua, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chính thức thu phí theo mức quy định của Bộ Tài chính với đơn giá 1.500 đồng/km (cho loại xe dưới 12 chỗ ngồi) với thời gian thu phí 17 năm 1 tháng. Nhiều ý kiến cho rằng, mức phí thu 1.500 đồng/km đối với tuyến đường này là khá cao bởi đây là dự án đường được nâng cấp, không phải dự án đường cao tốc làm mới.

Giải thích về điều này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, mặc dù tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đã có sẵn trước đây, nhưng chỉ là tuyến tiền cao tốc với tốc độ khai thác tối đa đạt 60 - 80km/h. Với tốc độ khai thác này thường xuyên gây ra ùn tắc phương tiện tại cửa ngõ phía Nam vào Hà Nội. Chính vì lẽ đó, Chính phủ đã giao Bộ GTVT phải nâng cấp, mở rộng tuyến đường.

Theo đó, với phương án tối ưu nhất để làm dự án nâng cấp tuyến đường sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó ở giai đoạn 1 sẽ nâng cấp mặt đường 4 làn xe với tổng mức đầu tư sấp xỉ 2.000 tỷ đồng (đã thi công xong trước thời hạn 4 tháng và đưa vào khai thác với vận tốc tăng lên 120km/h). Từ tháng 10, nhà đầu tư tiếp tục thi công mở rộng tuyến đường này lên thêm 2 làn xe mỗi bên, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2018.

“Việc thu phí tuyến cao tốc này có nghĩa là đầu tư nâng cấp hết bao nhiêu sẽ thu phí thu lại bấy nhiêu. Hơn nữa, khi đã được nâng cấp thành đường cao tốc thì quy định được phép thu phí, mức thu đối với đường cao tốc là giống nhau cùng mức giá 1.500 đồng/km. Tuy nhiên, dự án này là khác về thời giao thu phí hoàn vốn. Hồ sơ dự kiến 17 năm 1 tháng nhưng theo tính toán của Bộ GTVT, thời gian thu phí sẽ ngắn hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.

 

pv_cg_xuof.jpg
Dự kiến việc thu phí cao tốc Phaps Vân - Cầu Giẽ sẽ tiến hành trong 17 năm 1 tháng. (Ảnh: Internet)
Cũng liên quan đến các trạm thu phí BOT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định không có chuyện trạm thu phí BOT “bao vây” các trục đường vào Hà Nội. Đây chỉ là cách nói chưa tổng quát, bởi hiện nay dự án BOT tại khu vực Hà Nội là ít nhất, nếu so với khu vực TP HCM mới chỉ bẳng 1/4.

“Măc dù sắp tới đây, trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có thêm một số trạm thu phí BOT đưa vào hoạt động, tuy nhiên những trạm thu phí này lại nằm trên những tuyến đường vành đai”. Thực chất tại Hà Nội chỉ có 2 trạm thu phí BOT là trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài và trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

100% các dự án BOT không làm sai quy trình

Trao đổi về các cuộc thanh tra dự án giao thông của Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, mỗi năm có khoảng 100 dự án giao thông của Bộ GTVT được thanh tra. Đây là việc làm hết sức bình thường của các cơ quan có liên quan.

“Sau thanh tra sẽ có những kết luận để chỉ ra những thiếu sót để những cơ quan bị thanh tra phải tiến hành rút kinh nghiệm. Đơn vị được thanh tra cũng có cơ hội để giải trình, đề xuất những cơ chế, chính sách trong quy định của nhà nước tại thời điểm đó chưa đầy đủ, từ đó đề xuất những cơ chế nhằm đáp ứng được được tiến độ cũng như chất lượng công trình”, Thứ trưởng Trường chỉ rõ.

Đại diện Bộ GTVT cũng khẳng định, đối với các dự án BOT, đến thời điểm này Bộ GTVT chưa làm sai quy trình đối với bất cứ dự án nào. Bởi lẽ, trong một dự án BOT, phần quan trọng nhất là lựa chọn nhà đầu tư.

Sau khi đã lựa chọn được nhà đầu tư, tại Việt Nam bao giờ cũng diễn ra Lễ Động thổ và Lễ khởi công dự án. “Lễ Động thổ dự án có thể được tiến hành khi các bên liên quan chưa có đầy đủ về mặt thủ tục, nếu nói đây là cách làm sai quy trình là hoàn toàn không đúng”, Thứ trưởng Trường nói.

Theo tiến trình của dự án, Bộ GTVT cũng yêu cầu chậm nhất sau 3 tháng kể từ Lễ Động thổ, nhà đầu tư phải tiến hành khởi công xây dựng dự án, nếu sau 6 tháng không tiến hành dự án sẽ thu hồi dự án. Trong 3 tháng sau lễ động thổ, cơ quan tư vấn, chủ đầu tư sẽ thành lập công ty liên doanh, tìm ngân hàng cho vay vốn, thuê tư vấn thiết kế, thuê tư vấn giám sát.

Bộ GTVT yêu cầu tư vấn quản lý dự án phải được chọn từ các ban đánh giá của Bộ GTVT để có đủ năng lực giúp quản lý dự án, còn đơn vị tư vấn thiết kế phải chọn trong top 10 các đơn vị tư vấn mà Bộ GTVT đã cho phép.

“Các dự án BOT thời gian đầu có thể gặp trục trặc, nhưng khi đã vào thi công sẽ được triển khai rất nhanh. Chỉ khi bắt đầu thi công, dự án mới được tính tiến độ và Bộ GTVT quy định đẩy nhanh hoặc rút ngắn tiến độ. Hiện nay, Bộ GTVT chỉ đạo các dự án BOT thực hiện không quá 18 tháng, chỉ được hoàn thành trong thời gian từ 12 – 18 tháng”, Đại diện Bộ GTVT chỉ rõ./.

Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội triển khai đường vành đai 4 cách đường vành đai 3 khoảng 10km. Trước mắt, đường vành đai 4 sẽ gồm 3 đoạn nối: Từ Quốc lộ 5 về Quốc lộ 1 nối Hưng Yên với Hà Nam, từ Hà Nam nối với Đại lộ Thăng Long, đoạn 3 nối từ Đại lộ Thăng Long với đường 32. 

Đường vành đai 4 sẽ nối thông phục vụ cho hệ thống các khu công nghiệp của khu vực Láng - Hòa Lạc. Hiện nguồn ngân sách cho dự án chưa có nên dự án đang kêu gọi nguồn vốn BOT, có thể Hà Nội thực hiện trong 3 -4 năm tới./.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường