Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc giảm hàng loạt các lãi suất chủ chốt, trong đó có lãi suất tiền gửi, chiều 17/3, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến hy vọng: “Cùng với hàng loạt chính sách kinh tế khác và với mức trần lãi suất tiền gửi mới, vẫn khuyến khích gửi tiền vào NH”.

nguyen-dong-tien.jpg

PV: Thưa ông, hiện nay lãi suất huy động đã được điều chỉnh giảm tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn chưa được giảm tương ứng. Theo ông, có nên áp dụng cả trần lãi suất cho vay hay không?

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến: Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta không chủ quan hạ lãi suất được mà dựa trên những diễn biến kinh tế vĩ mô, khả năng huy động, điều hành hệ thống trung gian tài chính… Có mối liên hệ giữa các chỉ số này với lãi suất huy động- cho vay. Việc NHNN điều hành theo hướng giảm tiếp 1 bước lãi suất huy động sẽ làm cơ sở cho việc giảm lãi suất cho vay, vì chi phí đầu vào giảm xuống thì các TCTD cũng sẽ có biện pháp điều hành giảm lãi suất cho vay phù hợp mặt bằng lãi suất huy động mới với chi phí giá cả mới.

Đến nay, NHNN không quy định trần lãi suất cho vay mà dành quyền chủ động cho TCTD trong việc xem xét cho vay, xác định các mức cụ thể dựa trên cơ sở xem xét dự án vay, khả năng tài chính, luồng tiền và khả năng thu nợ khách hàng.  

Lãi suất ngắn hạn cũng liên quan trực tiếp đến lãi suất dài hạn. Trong xu hướng lãi suất ngắn hạn giảm thì lãi suất trung và dài cũng có xu hướng giảm. Điều này phụ thuộc vào sự ổn định tiền tệ trong thời gian dài.

PV: Hiện nay, nhiều NHTM đã hạ lãi suất cho vay tiêu dùng. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến: Cho vay tiêu dùng thường rủi ro cao, do vậy, thông thường người ta phải bù đắp bằng chi phí cao hơn cho nên lãi suất cũng phải cao hơn. Tuy nhiên, để kích thích sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế thì luôn phải gắn kết lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng. Do đó, không chỉ lĩnh vực sản xuất mới đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế mà cả tiêu dùng (Chính phủ và tư nhân). Do vậy, chính sách khuyến khích tiêu dùng vẫn được coi là một bộ phận trong chính sách thúc đẩy sản xuất.

Thực tế, một số TCTD nếu giảm các mức lãi suất cho vay tiêu dùng thì cũng phù hợp xu hướng giảm lãi suất cơ bản và phù hợp định hướng, quản trị rủi ro lĩnh vực này.

Giảm lãi suất chỉ là một trong những biện pháp của điều hành chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ cũng chỉ là một trong những biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô. Do vậy, nó phải tạo ra những cơ sở cho việc khuyến khích tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế, đồng thời loại bỏ nhiều giải pháp đồng bộ khác của các cơ quan quản lý.

PV: Việc giảm lãi suất huy động có kích thích tăng trưởng tín dụng theo đúng mục tiêu năm 2014, thưa ông?

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến: Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN cũng là cơ sở khuyến khích TCTD đẩy mạnh tín dụng. Đồng thời, biện pháp chỉ đạo của NHNN thông qua những giải pháp như gắn kết giữa TCTD với DN, khách hàng, tạo mối liên kết trong hỗ trợ sản xuất kinh doanh và từ đó tháo gỡ khó khăn cho việc xem xét cho vay trong việc giải ngân… cũng là những  biện pháp kích thích tín dụng.

Cùng với đó, NHTM cũng đang tiếp tục xem xét cơ cấu lại nợ, cho vay mới các khoản, hoặc dành những chương trình thí điểm trong một số lĩnh vực nông nghiệp nông thôn… Đây được coi là những giải pháp mở rộng tín dụng trong thời gian tới.

PV: Việc giảm lãi suất huy động có làm giảm khả năng huy động vốn của các NHTM không, thưa ông?

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến: Tất nhiên, ở đây có mối liên quan trực tiếp. Nếu lãi suất giảm thì khả năng người gửi tiền không gửi vào sẽ tăng lên, lượng tiền huy động có thể giảm xuống. Nhưng theo các điều kiện thị trường, kỳ vọng lạm phát, khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ… chúng ta tin rằng, với mức trần lãi suất tiền gửi vẫn khuyến khích gửi tiền vào NH. Thể hiện qua số dư tiền gửi gia tăng trong khi các NH đã có động thái giảm lãi suất huy động trong thời gian gần đây nhưng không giảm khả năng huy động vốn.

Đối với nhà đầu tư có tiền gửi trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cho rằng, việc gửi tiền đồng vào hệ thống NH vẫn là kênh an toàn và hiệu quả. Xu hướng này cũng có thể được xã hội chấp nhận, nó làm ổn định cơ sở tiền gửi của hệ thống NH và từ đó dùng nguồn vốn đó để cho vay phát triển sản xuất.

PV: Định hướng điều hành chính sách tiền tệ những tháng còn lại của năm 2014 sẽ theo hướng nào, thưa ông?

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến: Chúng tôi tiếp tục điều hành theo chỉ đạo định hướng của Thủ tướng Chính phủ một cách thận trọng, linh hoạt, đảm bảo các mục tiêu kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với những mục tiêu được Chính phủ, Quốc hội đặt ra cho năm 2014. Đồng thời, NHNN cũng điều hành theo hướng ổn định tỷ giá, đảm bảo tăng dự trữ và quản lý tốt thị trường ngoại tệ, thị trường vàng.

Bên cạnh đó, các giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách, các qui định về quản trị rủi ro, phân loại nợ, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, tiếp tục triển khai đề án xử lý nợ xấu… vẫn được xác định là trọng tâm xuyên suốt năm 2014 và toàn hệ thống ngân hàng đang tích cực triển khai.

PV: Việc giảm lãi suất lần này sẽ tác động thế nào với các thị trường khác có mối liên hệ như vàng, tỷ giá, chứng khoán, thưa ông?

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến: Những biện pháp điều hành lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, tín dụng hướng tới mục tiêu đề ra là 12-14% trong năm nay. Nếu theo dõi quy luật trong hoạt động NH, những tháng đầu năm, tết, thì suy giảm sau đó mức độ tăng dần và đạt cao nhất trong quý 4 khi kết thúc mùa làm ăn.

Lãi suất chỉ là một phần góp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, đúng lĩnh vực cần ưu tiên, đang được khuyến khích của Chính phủ. Tăng trưởng mà không hiệu quả, không đúng lĩnh vực cần thiết được ưu tiên mà mang lại con số tăng trưởng thì không phải là kết quả tốt đẹp. Do vậy, chúng tôi đặt mục tiêu đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng vào lĩnh vực ưu tiên.

Một nguyên lý cơ bản là thông thường nếu FED giảm lãi suất sẽ tạo sự hoan hỉ đến các thị trường khác. Hay trái phiếu giảm thì sẽ có cơ hội thu hút nhà đầu tư vào thị trường khác như chứng khoán, vàng, bất động sản… Đó là trong một nền kinh tế phát triển cao, có sự điều hành hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực. Còn trong bối cảnh của chúng ta, tôi cho rằng, về mặt nguyên lí việc giảm lãi suất sẽ tạo cơ hội, động lực đầu tư khác. Nhưng tôi xin cảnh báo rằng, các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư mới mẻ, còn nhiều háo hức cũng nên tham khảo thêm kinh nghiệm của các nhà đầu tư khá “tang thương” trong lĩnh vực này để có quyết định đầu tư phù hợp.

PV:

Xin cảm ơn ông!

Tăng trưởng tín dụng năm 2014 ở mức 12 – 14% có thể đạt được

Bên cạnh chính sách lãi suất, chúng tôi còn có nhiều công cụ khác như OMO, tái cấp vốn… Ngoài điều chỉnh giảm lãi suất, trong điều hành còn kết hợp các công cụ OMO, điều tiết có kênh đưa tiền ra có kênh hút tiền về để kiểm soát mục tiêu tiền tệ, kiểm soát lạm phát, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán. Bắt đầu quý II, nhất là quý IV tín dụng sẽ tăng lên. (Bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ chính sách Tiền tệ - NHNN)