Để cung ứng đầy đủ hàng hóa và phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, đến thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước đã phối hợp cùng các ngành, doanh nghiệp lên kế hoạch dự trữ và phân phối các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhân dân, đảm bảo chất lượng và bình ổn giá cả thị trường.
Đến thời điểm này, TP Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên tới 16.000 tỷ đồng phục vụ Tết. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn chủ động dự trữ lượng hàng gấp đôi so với lượng hàng hóa thiết yếu được giao và triển khai bán tại 600 điểm bán hàng bình ổn giá.
1.600 điểm bán hàng khác được đặt tại các đại lý, cửa hàng, bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học. Hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng thiết yếu bình ổn giá kết hợp với các nhóm hàng khác cũng được đưa về khu vực nông thôn.
Đối với các sản phẩm chế biến như giò, chả, bánh chưng... giao sản lượng đến từng làng nghề trên địa bàn. Sở cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trong dịp Tết, góp phần đảm bảo chất lượng hàng hóa trên thị trường.
“Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, đã tổ chức các nguồn hàng, ký hợp đồng với các nhà cung cấp để có lượng hàng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu cho bà con trên địa bàn thành phố. Đặc biệt các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đã dự kiến đầy đủ 7 mặt hàng thiết yếu 276 tỷ đồng mà thành phố giao cho các doanh nghiệp. Đồng thời 14 doanh nghiệp này đã dự trữ một lượng hàng ít nhất là gấp đôi trên 500.000 tỷ đồng để phục vụ bà con”, bà La cho biết.
Công tác chuẩn bị hàng phục vụ Tết không chỉ sôi động tại các thành phố lớn, mà tại tỉnh miền núi Hà Giang, UBND tỉnh đã chỉ đạo các công ty cổ phần thương mại, các tập đoàn trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để cung cấp cho bà con dân tộc, đảm bảo tiêu chí, hàng hóa phải phong phú, chất lượng tốt, tuyệt đối không để thiếu một mặt hàng nào đến tận người dân vùng sâu vùng xa.
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tập trung nguồn lực chuẩn bị đầy đủ hàng hóa nhằm đảm bảo đủ nguồn cung trước, trong và sau Tết Nguyên đán; cung ứng hàng bình ổn giá cho nhân dân; niêm yết giá và giám sát chặt chẽ việc bán theo giá niêm yết ở chợ trung tâm các huyện, thị xã.
Ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị đã triển khai với lực lượng quản lý thị trường, phối kết hợp với thuế, công an, các lực lượng khác trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát về chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là đối với giá cả và vệ sinh an toàn thực phẩm. “Vệ sinh an toàn thực phẩm đặt lên hàng đầu, để làm thế nào một cái Tết của người dân của tỉnh Hà Giang mua được các sản phẩm tốt nhất, được lựa chọn những sản phẩm mình mua thích nhất để phục vụ Tết cho gia đình đầm ấm”, ông Bảy khẳng định.
Theo các Sở Công Thương, dự kiến sức mua trong dịp Tết Nguyên đán năm nay tăng khoảng 15% so với các tháng trong năm. Hiện lượng hàng hóa được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các địa phương chuẩn bị cho dịp Tết ước khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết năm trước. Riêng các mặt hàng nông sản, thực phẩm phục vụ Tết, do nguồn cung phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, chịu nhiều tác động của thời tiết, dịch bệnh nên giá cả có thể có biến động.
Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, bên cạnh việc chủ động chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ phục vụ nhu cầu của người dân thì tỉnh cũng đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.
“Nam Định đã có văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp Tết. Riêng ngành Công Thương nắm bắt, rà soát lượng hàng hóa như lương thực, thịt lợn và các hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhân dân để có lượng dự trữ khi có nhu cầu hay biến động. Đồng thời, tỉnh sẽ đưa lượng hàng hóa này ra để phục vụ nhân dân, thiết lập những cửa hàng bình ổn giá, tạo điều kiện cho nhân dân so sánh với thị trường bên ngoài, đảm bảo tình hình cung cầu trên địa bàn”, ông Đoài cho hay.
Ngoài việc đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ trong dịp Tết 2015, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương mở các hội chợ hàng Việt Nam, đưa hàng Việt về nông thôn, đặc biệt tập trung vào các khu công nghiệp, khu chế xuất với mức giá ổn định.
Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng; Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo về giá cả, hàng hóa cũng như chất lượng hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán khi người dân có nhu cầu mua tăng cao./.