Chưa kịp mừng đã lo
Vấn đề quản trị doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa là bài toán khó, nhất là làm sao để giải phóng sức ỳ và phát triển các nguồn lực quốc gia mà các doanh nghiệp này đang nắm giữ.
Tại Diễn đàn "Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa" vừa diễn ra tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, nhiều khi chưa kịp mừng vì cổ phần hóa được DNNN thì đã phải lo về quản trị hậu cổ phần hóa.
Hiện nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ vốn nắm giữ của Nhà nước vẫn từ 50% đến hơn 60%, tức là nắm giữ và chi phối mọi mặt hoạt động, vẫn giữ bộ máy ấy, lãnh đạo ấy và con người ấy nhưng được gọi tên là "cổ phần hóa", TS. Ánh nêu thực trạng.
Doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa vẫn loay hoay tìm mô hình quản trị hiệu quả. (Ảnh minh họa: Nguyễn Quỳnh/VOV.VN) |
Ông Vũ Đình Ánh cho hay, bản chất sở hữu doanh nghiệp trên thế giới chủ yếu tồn tại hai hình thức sở hữu Nhà nước và sở hữu tư nhân. Còn ở Việt Nam hiện nay sở hữu doanh nghiệp hậu cổ phần là "hỗn hợp" nên không thể "copy" các kỹ năng của thế giới để áp dụng được.
Điều chuyên gia này lo ngại là các tiêu chuẩn quốc tế được cho là áp dụng tại các doanh nghiệp sau cổ phần chỉ mang tính hình thức. "Chúng ta có cái vỏ là áp dụng kỹ năng quản trị, quản lý theo thông lệ quốc tế, nhưng thực chất cái ruột lại là Việt Nam, vẫn là lãnh đạo doanh nghiệp cũ", ông Ánh nói.
Hai ví dụ điển hình được TS. Vũ Đình Ánh đưa ra để chứng minh cho kỹ năng quản trị yếu kém và mang nặng cơ chế cũ phi thị trường và thiếu sự kiểm soát là: Tổng công ty Viễn thông Mobifone bỏ số tiền lớn để "mua hớ" AVG; và trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với TKV (Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam) bất đồng trong cơ chế thanh toán và giá bán thangây ồn ào dư luận.
Cổ phần rồi mà tiền Nhà nước vẫn không thoái được?
Còn theo TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính-ngân hàng, cổ phần hoá DNNN là vấn đề "phá băng" mở màn cốt lõi nhất, nặng nề nhất trong tiến trình đi tới tái cấu trúc nền kinh tế.
TS. Lai cho rằng, vẫn còn nhiều nhược điểm trong quản trị DNNN. Việc cổ phần hoá DNNN sẽ không đạt được mục tiêu nếu chỉ chạy theo tiến độ theo kiểu đơn giản là biến hoá DNNN thành công ty cổ phần để Nhà nước cùng người lao động thu tiền về bằng cổ phần và cùng tồn tại.
Những doanh nghiệp nào không bị xóa thì hầu như vẫn không có gì đổi mới về cấu trúc thời hậu cổ phần hóa - không ai mất chức, mất việc, hoặc nếu rời doanh nghiệp trong độ tuổi lao động thì được Nhà nước "trả một cục" để đi tìm việc khác. Lực lượng lao động căn bản vẫn là những người cũ - vẫn vừa làm lãnh đạo, vừa làm thuê cho Nhà nước, ông Nguyễn Đại Lai nêu thực tế.
Theo chuyên gia này, hậu cổ phần hóa hàng loạt như vậy nên nền kinh tế Việt Nam cho đến nay vẫn cơ bản chỉ là một nền kinh tế thô, lạc hậu, tư duy xin – cho vẫn duy trì. Đặc biệt, sau cổ phần hóa hàng loạt đó, nền kinh tế lại "đổi mới" thành một nền kinh tế bị chia cắt ra làm 3 nền kinh tế có hàng rào, vị thế, cơ chế vận hành và cả thị trường tiếp cận tư liệu sản xuất ở đầu vào độc lập nhau, gồm: Nền kinh tế Nhà nước, nền kinh tế tư nhân và nền kinh tế FDI.
"Ba nền kinh tế này được ví von theo thứ tự như con đẻ, con nuôi và con ngoài giá thú, có thân phận, luật lệ và thị trường riêng, nhưng dựa dẫm vào nhau, hình thành nhiều nhóm lợi ích/hoặc các hiện tượng "chân trong chân ngoài" tạo ra những luồng lạch, mạch ngầm để hút nội lực lẫn nhau và kìm hãm sự phát triển tổng thể… làm cho kinh tế Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới mà vẫn căn bản là nền kinh tế thô ở khu vực thuần nội và "không thô" nhưng giá trị mới gia tăng rất ít hoặc bị chuyển giá trốn thuế rất lớn ở khu vực FDI", TS. Nguyễn Đại Lai thẳng thắn chỉ rõ.
Đề cập giải pháp, TS. Lai cho rằng, cần làm rõ các mối quan hệ trách nhiệm kinh tế và phương án tái cơ cấu các DNNN lớn trước khi lên sàn. "Sử dụng tiền của Nhà nước sau cổ phần hóa thế nào? Có tránh được vết xe đổ đã từng vấp không - khi cổ phần rồi mà tiền Nhà nước vẫn không thoái được, vẫn luẩn quẩn trong cảnh CEO xưa, việc cũ và công nghệ lạc hậu?", ông Lai đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, TS. Lai cũng đặt câu hỏi về những DNNN không thể bán được hoặc thuộc loại danh mục bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng… không đưa vào diện cổ phần hóa thì sẽ vận hành ra sao, có nên để cho các ngành "đặc biệt" làm kinh doanh trong chiếc mũ "quốc doanh" như hiện nay hay không?
Theo quan điểm của TS. Lai, chỉ trong các lĩnh vực công ích và một số lĩnh vực không ai làm hoặc độc quyền tự nhiên thì Nhà nước mới phải nắm giữ và có vai trò chi phối, như hạ tầng nước, hạ tầng giao thông quốc gia, một số tập đoàn tài chính ngân hàng, sản xuất vũ khí quân sự và ngành vệ sinh môi trường văn minh công cộng. Những lĩnh vực còn lại, Nhà nước cần thoái vốn đến 100% để thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn./.