Sáng nay (5/5) tại thành phố Vị Thanh (Hậu Giang), Trung tâm khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông@ Nông nghiệp lần thứ 5 năm 2015 với chuyên đề “Nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát khí thải nhà kính trong sản xuất lúa các tỉnh ĐBSCL”.
Tham dự Diễn đàn có các lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ Trung tâm khuyến nông Quốc gia, các viện, trường; cán bộ nông nghiệp và hơn 250 nông dân đến từ các địa phương trong vùng.
Với diện tích đất trồng lúa hơn 1,8 triệu ha, hàng năm sản xuất hơn 50% sản lượng lương thực cả nước và cung cấp 92% lượng gạo xuất khẩu, ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo cả nước và đóng vai trò quyết định an ninh lương thực Quốc gia.
Theo kiểm kê phát thải năm 2000, tổng lượng khí phát thải ở Việt Nam hơn 150 triệu tấn CO2, trong đó chất thải khí nhà kính khu vực nông nghiệp hơn 65 triệu tấn CO2, chiếm tỷ trọng cao nhất hơn 43% của tổng lượng phát thải khí nhà kính Quốc gia, trong đó khu vực trồng lúa nước có lượng phát thải lại chiếm tỷ trọng cao nhất hơn 57% của khu vực nông nghiệp.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học đã trao đổi, thông tin về các kết quả nghiên cứu, các mô hình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời cùng nhau trao đổi, đề ra nhiều giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.
Theo TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án “Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn”. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam giảm 20% lượng phát thải nhà kính.
Trong đó, ngành trồng trọt giảm 9,46 triệu tấn CO2, chăn nuôi giảm 6,3 triệu tấn CO2, thủy sản giảm 3 triệu tấn CO2 và ngành nghề nông thôn giảm 4,78 triệu tấn CO2. Việc tổ chức diễn đàn như thế này để các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà nông có cơ hội gặp gỡ nhau tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất lúa từ đó có những hoạch định để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra.
Với mục tiêu thông tin đến người nông dân kết quả nghiên cứu và một số mô hình điển hình, bà con có cơ hội hiểu nhiều hơn về chủ trương, những thực tế và cơ sở khoa học đã làm được, cùng những giải pháp giảm chi phí đầu vào cho sản xuất lúa, giảm được lượng khí thải nhà kính, điều này sẽ tác động trực tiếp đến đời sống và thu nhập của bà con.
“Người trồng lúa sẽ nêu những trăn trở suy nghĩ của mình để các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các nhà khoa học thấy được những cái khó để tiếp tục đồng hành với bà con tháo gỡ”, TS. Phan Huy Thông chia sẻ./.