Theo nhiều chuyên gia phân tích tài chính, khi Samsung ngừng bán điện thoại Galaxy Note 7 , điều đó có nghĩa là 19 triệu sản phẩm bị “đắp chiếu” và "gã khổng lồ" Hàn Quốc buộc phải gánh tổn thất nặng nề lên tới 17 tỷ USD.

galaxy_note_7_txcq.jpg
Việc Samsung "khai tử" Galaxy Note 7 có ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam

Con số khổng lồ đó chưa bao gồm 1.600 tỷ won (tương đương 1,4 tỷ USD) chi phí thanh lý trong quý IVvà cũng chưa rõ giá cổ phiếu của hãng trên thị trường sẽ lao dốc đến thế nào, danh tiếng về lâu về dài của công ty bị tổn hại ra sao.

Sản phẩm của Samsung Việt Nam tiêu thụ ở toàn cầu nên khi tập đoàn này phải bồi thường hàng tỷ USD cho việc thu hồi Galaxy Note 7, xuất khẩu của Việt Nam cũng chịu ảnh hướng lớn.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng Việt Nam cần lưu ý đến hiện tượng Tập đoàn Samsung thu hồi điện thoại Samsung Galaxy Note 7. Theo ông Tuyển, Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn ở Việt Nam, hàng năm đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu từ sản phẩm điện thoại đi động. Do vậy, khi tập đoàn này gặp khó khăn có thể sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích: Đến nay, Samsung đã tiến hành thu hồi hàng chục triệu chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note 7, thiệt hại lên đến cả tỉ USD. Trong quá trình hoạt động, công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) công bố sản phẩm sản xuất ở Việt Nam tiêu thụ toàn cầu, do đó cần có con số thống kê xem trong số này có bao nhiêu phần trăm sản xuất ở Việt Nam. Từ đó có căn cứ đánh giá tác động của sự cố đến kinh tế Việt Nam thông qua hoạt động xuất khẩu.

SEV hiện có 2 nhà máy sản xuất điện thoại đi động ở Thái Nguyên và Bắc Ninh. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này đạt 26,3 tỉ USD (chiếm 17,5 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước).

Samsung đã tuyên bố ngừng sản xuất và dừng bán Galaxy Note 7 do sự cố phát nổ
TS Vũ Đình Ánh cho hay ba năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào Samsung. Nếu Galaxy Note 7 sản xuất ở các nhà máy ở Thái Nguyên và Bắc Ninh chắc chắn sẽ tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam. 

Tuy nhiên, theo TS Ánh, để có đánh giá tác động cụ thể thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, cần phải có một con số thống kê chính xác là bao nhiêu phần trăm sản phẩm Galaxy Note 7 sản xuất từ Việt Nam bị thu hồi.

Trước đó, công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) có công văn gửi Tổng cục Hải quan liên quan đến thủ tục hải quan đối với việc thu hồi và đổi trả để thay thế điện thoại di động Galaxy Note 7 bị lỗi trên thị trường. 

Theo SEVT, sản phẩm thay thế vẫn là Galaxy Note 7 với số serial và IMEI mới theo quy định, SEVT hiểu rằng số lượng sản phẩm bị lỗi trả lại SEVT cùng với số lượng sản phẩm thay thế mới sẽ được miễn thuế xuất nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

“Chúng tôi mong muốn Tổng cục Hải quan cân nhắc tình huống đặc thù và khẩn cấp của chúng tôi để xác nhận đề xuất trên đây và có hướng dẫn cụ thể để chúng tôi tiến hành đổi trả hàng thay thế cho ngời tiêu dùng cuối cùng”, văn bản của SEVT nêu rõ. /.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 22,5 tỷ USD sản phẩm điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử. 

Tính đến thời điểm này, điện thoại các loại và linh kiện đang là nhóm hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi tương đương với 19,9% cơ cấu hàng xuất khẩu.

Trong đó, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là EU với 7,1 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Kế đến là Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với 2,89 tỷ USD, Mỹ với 2,67 tỷ USD…/.