Từ lâu, khu vực này đã đảm trách vai trò giữ an ninh lương thực Quốc gia. Phải chăng, ĐBSCL giờ lại gánh thêm vai trò đảm bảo an ninh năng lượng cho Quốc gia?
vov_nuong_luong_mat_troi_aitm.jpg
Năng lượng điện mặt trời thân thiện với môi trường tại Nhật Bản.

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Dự kiến, đến cuối năm nay, các tổ máy của nhà máy này sẽ được đưa vào vận hành thương mại. Đây là nhà máy nhiệt điện đầu tiên sử dụng công nghệ đốt ngưng hơi dưới tới hạn, sử dụng than nhiên liệu ngoại nhập.

Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập Đoàn điện lực Việt Nam (EVN), do chưa đạt được thoả thuận với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (KTV); nên sắp tới, EVN sẽ nhập khẩu khoảng 8,8 triệu tấn than/năm để đáp ứng kịp thời nhu cầu cho các nhà máy nhiệt điện.

Không chỉ những nhà máy nhiệt điện do EVN làm chủ đầu tư sử dụng than nhập khẩu mà 4/6 nhà máy nhiệt điện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, đó là Long Phú 1, Long Phú 3, Sông Hậu 1 và Quảng Trạch 1 cũng dùng than nhập khẩu.

Theo quy hoạch phát triển điện Quốc gia, giai đoạn 2016-2030, ĐBSCL có tới 14 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất hơn 18 ngàn MW. Theo đó, năm 2020, tổng nhu cầu than cho các trung tâm nhiệt điện này vào khoảng 11 triệu tấn; năm 2025, tăng lên 22 triệu tấn, và đạt khoảng 43 triệu tấn vào năm 2030. ĐBSCL không phải vùng nhiên liệu than. Ngay cả khi, EVN và KTV đạt được thoả thuận, việc vận chuyển than từ Quảng Ninh vào khu vực này là rất xa. Các nhà máy nhiệt điện đồng loạt đi vào hoạt động, ĐBSCL rất có thể sẽ phải nhập khẩu than từ Trung Quốc, Úc hoặc Indonesia. Do phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu và thiết bị của nước ngoài, ĐBSCL vẫn khó đảm bảo được an ninh năng lượng.

Mặt khác, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, để nhập một lượng than lớn như thế, ĐBSCL cần những cảng nước sâu cho tàu có trọng tải lớn. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề này chưa được tính đến.

Hơn 18.000 MW của 14 nhà máy nhiệt điện than được phê duyệt theo Quy hoạch điện VII là vượt quá nhu cầu của khu vực ĐBSCL. Là vùng trọng điểm kinh tế nhưng khu vực này là nền kinh tế ít tiêu thụ điện do cơ bản chỉ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. ĐBSCL từ lâu đã đảm trách vai trò giữ an ninh lương thực Quốc gia. Phải chăng, khu vực này giờ lại phải gánh thêm vai trò đảm bảo an ninh năng lượng cho Quốc gia?

Thật khó thực hiện cả 2 nhiệm vụ đó! Tại sao lại chọn ĐBSCL, một vùng trọng điểm sản xuất lương thực và nuôi trồng thuỷ sản, nơi không có nguồn nguồn nguyên liệu than để đặt các nhà máy nhiệt điện than? Lập luận kinh tế - kỹ thuật nào có thể giải thích về việc chọn những công nghệ được nhập từ Trung Quốc thay vì quốc gia khác? Những vấn đề này đều chưa có câu trả lời thoả đáng.

Người dân Bạc Liêu đề nghị phát triển điện gió thay vì nhiệt điện than.

Khi tính toán về kinh tế, không thể không tính tới những chi phí liên quan đến những tổn thất về xã hội và môi trường. Tầm nhìn trong quy hoạch không chỉ là việc vẽ ra các bức tranh đáng yêu về tương lai mà không hiểu sâu sắc về các nguồn lực cần có.

Vì vậy, PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, tầm nhìn phải mang tính hệ thống. Theo TS. Tuấn, hiện nay, địa phương quá coi trọng tăng tỉ trọng công nghiệp, giảm nông nghiệp là thành tích. Nhưng tăng tỉ trọng công nghiệp lên thì phải trả giá, phải tính đến cả chi phí ảnh hưởng đến môi trường, cho thủy sản, sức khỏe cộng đồng về lâu dài.

Vừa qua, tỉnh Bạc Liêu đã xin Chính phủ bỏ quy hoạch Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng có công suất 1.200 MW tại huyện Đông Hải ra khỏi Quy hoạch điện VII. Đề xuất này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao. Người dân tỉnh này cũng thực sự phấn khởi.

Lão nông Võ Hồng Ngoãn, người nuôi tôm có tiếng ở xã Vĩnh Trạch Đông, tỉnh Bạc Liêu bộc bạch, ông rất vui khi hay tin tỉnh nhà từ chối xây dựng Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng. Thời gian qua, Bạc Liêu "ăn nên làm ra" từ con tôm. Nhà máy nhiệt điện ra đời, không đảm bảo tốt các yếu tố về môi trường, cùng với biến đổi khí hậu, chắc chắn, vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh bị hủy diệt. Người dân sẽ khốn đốn:

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, trước đây, khi được Trung ương qui hoạch cho xây dựng Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng, tỉnh rất mừng vì chưa có công trình trọng điểm Quốc gia. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hơn 500 lao động, giải quyết một phần khó khăn về ngân sách cho tỉnh. Để công trình sớm được triển khai xây dựng, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Công ty Kyushu và Công ty Sojitz về dự án. Theo đó, phía Nhật Bản cam kết lựa chọn công nghệ, đảm bảo không chỉ môi trường biển mà cả rừng đước tự nhiên của Bạc Liêu cũng sẽ được an toàn.

Tuy nhiên, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, Bộ Chính trị đã giao cho Bạc Liêu nhiệm vụ xây dựng tỉnh này trở thành vùng nuôi tôm thâm canh lớn nhất của cả nước. Sau nhiều suy tính, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, phải đảm bảo môi trường để nuôi tôm. Vì vậy, nhà máy nhiệt điện Cái Cùng dù được cam kết như vậy nhưng tỉnh này vẫn quyết định từ chối xây dựng, để có thể phát triển thủy sản bền vững.

Mô hình nuôi tôm trong nhà kính.

Việc từ chối xây dựng Nhà máy nhiệt điện than Cái Cùng thể hiện sự chủ động của Bạc Liêu trong thực hiện chuyển đổi từ “kinh tế Nâu” sang “kinh tế Xanh”. Vấn đề môi trường, sức khỏe và sinh kế của cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu. Bạc Liêu là một trong những tỉnh tiên phong ở ĐBSCL mạnh dạn thực hiện điều đó. 

Thực tiễn cho thấy, ở đâu có nhà máy nhiệt điện, ở đó, người dân thường gặp nhiều bệnh tật liên quan tới hô hấp, bệnh ngoài da, tim mạch; đồng thời, tỷ lệ ung thư, những bệnh do ô nhiễm gây ra thường cao hơn vùng khác. Không chỉ riêng Việt Nam, những nhà máy nhiệt điện khác ở Trung Quốc, Indonesia... đều có tình trạng tương tự. Những hậu quả thấy trước này nhắc nhở chúng ta phải cẩn trọng hơn trong những dự án nhà máy nhiệt điện than.

Quy hoạch phát triển điện không phải là vĩnh viễn. Một số nhà máy vừa đi vào vận hành, đã tạo ra những hệ luỵ tiêu cực cho người dân trong khu vực. Chính quyền các cấp ở ĐBSCL bắt đầu nhận thức được câu chuyện này. Ông Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, tỉnh Long An cũng sẽ chính thức gửi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin bỏ quy hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện. Ngăn chặn bao giờ cũng tốt hơn là để ra hậu quả rồi mới can thiệp. Vì vậy, đã đến lúc, Bộ Công thương cần xem xét lại việc xây dựng những nhà máy nhiệt điện vì sự phát triển bền vững của vùng đất Chín rồng./.