Một năm nhìn lại TP.HCM, nơi tâm dịch COVID-19 của cả nước, mới thấy được giá trị của những quyết sách, tầm nhìn mang tính chiến lược giúp các địa phương vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Quyết sách táo bạo trong hoàn cảnh khó khăn
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Nghị quyết 128 của Chính phủ là hai quyết sách sáng suốt để giúp Việt Nam cũng như TP.HCM đạt kết quả khả quan trong công tác phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế nhanh như ngày hôm nay.
Nghị quyết 30 của Quốc hội ban hành ngày 28/7/2021 đã nhấn mạnh việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát dịch COVID-19, đồng thời thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết tạo tiền đề để ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Với việc chuyển trạng thái từ “Zero COVID” sang sống chung với dịch bệnh, các chuyên gia cho rằng, đây là một quyết định rất quả cảm, vì thời điểm đó dịch bệnh trong nước và trên thế giới còn diễn biến phức tạp, nhiều người lo ngại nếu mở cửa dịch bệnh bùng phát trở lại sẽ rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời điểm đó không mở cửa, TP.HCM sẽ “chết”, vì sau 4 tháng đóng cửa, nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ, đứt gãy chuỗi sản xuất, mất lao động, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Bởi vậy, Nghị quyết 30 đã cho phép việc phòng chống dịch bệnh linh hoạt hơn không siết chặt như trước, tạo điều kiện thuận lợi cho TP.HCM phục hồi kinh tế.
TS. kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng: “Nếu không bỏ giãn cách của TP.HCM sẽ thiệt hại càng nặng nề, trước khi quyết định mở cửa thì có rất nhiều lo lắng và rủi ro. Thành phố chuyển từ trạng thái zero COVID-19 vẫn có thiệt hại chứ không phải không nhưng đó là cách đúng. Nhờ quyết sách đúng đó mà Thành phố phục hồi sức sống, sức sống này không chỉ về kinh tế và cho cả sức khỏe cộng đồng”.
Tháo gỡ được những nút thắt
Đáng ghi nhận là TP.HCM vận dụng rất hiệu quả hai nghị quyết của Trung ương để đạt mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Thành phố chủ trương an toàn đến đâu mở cửa đến đó, đã mở cửa thì không đóng trở lại, giúp doanh nghiệp yên tâm phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, việc mở cửa của TP.HCM cũng vướng do ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất. Vì một số địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và khu vực khác, có nơi chưa nhất quán về những quy định phòng chống dịch bệnh nên có tình trạng cát cứ địa phương, gây ách tắc trong lưu thông. Khi đó, Nghị quyết 128 ra đời đã tháo gỡ được những nút thắt này.
“Nghị quyết 128 ra đời nó thống nhất trên toàn quốc thông suốt về chủ trương thông suốt chuỗi cung ứng. Thời điểm đó, một số nơi có tình trạng “ngăn sông cấm chợ” thì Nghị quyết 128 đã tháo gỡ, khai thông tình trạng tình trạng “ngăn sông cấm chợ” tạo chuỗi cung ứng xuyên suốt. Nhờ đó, TP.HCM thuận lợi hơn trong việc khôi phục kinh tế” - chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch nhận xét:
Hai quyết sách đúng đắn của Trung ương đã tạo điều kiện cho TP.HCM nhanh chóng trở lại “trạng thái bình thường mới”. Sản xuất, kinh doanh của Thành phố ngay những tháng đầu năm 2022 đã có nhiều tín hiệu tích cực. 18 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoạt động trở lại bình thường. Doanh nghiệp nhận được thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu, các ngành xuất khẩu chủ lực của Thành phố như: Điện, điện tử, dệt may, giày da, sản phẩm gỗ… tăng trưởng tốt, nhiều lao động trở lại làm việc.
Sang quý 2/2022, kinh tế của Thành phố từ tăng trưởng âm chuyển sang tăng trưởng dương. 9 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng gần 28%. Doanh thu từ bán lẻ hàng hóa đạt 466.000 tỷ đồng, tăng hơn 21%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 13,8% so cùng kỳ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng: “Các quyết định của lãnh đạo đã giá trị chuyển biến tình hình, trước khi chuyển biến tình hình thì nó chuyển biến nhận thức, tạo niềm tin, ý chí quyết tâm để chúng ta thực hiện. Nghị quyết của chúng ta mang giá trị như thế, thời khắc cam go, khắc nghiệt, khó khăn thì buộc chúng ta phải có những quyết định như vậy để chúng ta vượt qua và chúng ta đã thành công”.
Một năm sau đại dịch, kinh tế Thành phố và cả nước phục hồi nhanh và tăng trưởng rất tích cực. Đó là nhờ sự sáng suốt, quyết đoán, chuyển đổi nhanh trong tư duy của Trung ương với việc ban hành hai Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Nghị quyết 128 của Chính phủ đã giúp TP.HCM và cả nước sớm đạt mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội./.