Trao đổi về việc này, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: "Khi tôi trao đổi với các doanh nghiệp ở Áo, câu hỏi của các doanh nghiệp và Bộ Kinh tế Áo là bao giờ Việt Nam mở cửa và nếu mở cửa thì sẽ mở cửa như thế nào. Việc trao đổi giao thương không thể chỉ diễn ra trực tuyến được. Việc trao đổi trực tuyến có thể cung cấp cho nhau thông tin và sản phẩm nhưng khi đàm phán thì không thể đàm phán qua mạng. Nhiều doanh nghiệp Áo muốn vào Việt Nam nhưng họ quan tâm đến các điều kiện cách ly và quay trở về, cũng như các câu hỏi như làm việc với ai, việc thăm nhà xưởng, tìm hiểu về nguyên liệu diễn ra như thế nào? Trên thực tế, nếu không vào được thì không thể làm ăn kinh tế được".
Ngoài ra, theo Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng rất mong mỏi được trở về thăm gia đình. Đây là hai nhu cầu rất lớn hiện nay đối với việc mở cửa đường bay quốc tế.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Áo, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho biết, mặc dù Áo lại vừa trải qua một đợt phong tỏa nhưng việc này diễn ra rất linh hoạt. Thứ nhất, hoạt động lao động làm việc sẽ không bị hạn chế, người lao động vẫn có thể đi làm bình thường. Thứ hai là hoạt động học tập. Áo không phong tỏa trường học. Các trường học vẫn mở cửa nhưng có lựa chọn. Nếu gia đình nào không an tâm có thể cho con học ở nhà và được gửi bài tập tới tận nơi, trả lời trực tuyến. 70% học sinh ở Áo vẫn đến trường trong điều kiện phong tỏa. Thứ ba, hoạt động thể dục thể thao cũng không bị hạn chế bởi thể dục thể thao là nhu cầu thiết yếu, giúp đảm bảo sức khỏe chống dịch bệnh. Các hoạt động thể thao ngoài trời diễn ra bình thường trong khi các hoạt động thể thao trong nhà diễn ra với các quy định về giãn cách. Nếu không có thể thao thì không có sức khỏe và không thể chống dịch.
Để có cơ chế chống dịch như vậy, Áo có văn hóa tuân thủ pháp luật, tôn trọng cái chung và có thái độ khá bình tĩnh trước các vấn đề dịch bệnh. Từ 12/12 tới, Áo sẽ mở cửa trở lại. Họ xác định dịch bệnh là vấn đề nghiêm trọng nhưng có tính quy luật, có cơ sở khoa học để xem xét, đánh giá và xã hội vẫn cần tiếp tục phát triển.
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho rằng, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi số ca mắc tăng cao tại các địa phương, ngành y tế vẫn đang phải căng mình và tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh cao. Vì thế, mở cửa hay không là một câu hỏi rất khó nhưng từ kinh nghiệm ở Áo, Đại sứ cho rằng, Việt Nam phải chung sống với dịch bệnh và cần mở cửa. Bởi trên thực tế, Việt Nam dựa vào ngoại thương quá lớn, đầu tư nước ngoài quá lớn, xuất nhập khẩu quá lớn nên không thể đóng cửa. Chúng ta phải mở cửa nhưng mở thế nào để đảm bảo an toàn tối đa nhưng vẫn tận dụng giao thương nước ngoài để phát triển. Đại sứ cũng cho rằng phải đảm bảo lợi ích chung của cả đất nước chứ không phải từng ngành từng địa phương cũng như cần quan tâm đến những người có thu nhập thấp, thu nhập ngắn hạn và những người có sức khỏe không tốt.
Về việc mở lại đường bay, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long cũng cho rằng: "Rõ ràng, muốn khôi phục kinh tế thì bắt buộc phải mở đường bay. Nhưng tất nhiên bao giờ cũng có 2 vế, mở đường bay nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn. Mở đường bay là mong muốn của các sứ quán nhưng bảo đảm an toàn cũng là yêu cầu của chính phủ. Tôi nghĩ vấn đề này sẽ có những cơ quan chức năng đánh giá. Tất nhiên, khi tăng cường hợp tác kinh tế, các doanh nghiệp phải tăng cường giao thương, giao lưu, đi lại, các nhà đầu tư phải sang tận nơi gặp mặt nhau trực tiếp bởi hình thức trực tuyến rất khó trao đổi"./.