Số rác thải nhựa tái chế thu gom được của gần 1.000 công nhân viên, công ty thay thế cho các nguyên liệu đầu vào khác đang có giá rất đắt đỏ, vừa giúp công ty tiết kiệm các chi phí sản xuất, xa hơn là giảm thải khí cacbon trong xử lý rác thải tái chế, đặc biệt là góp phần thay đổi ý thức người dân bảo vệ môi trường sống...
Sáng sớm, ngoài những vật dụng cá nhân cần thiết để đi làm, chị Nguyễn Thị Mai (34 tuổi) công nhân phân xưởng sản xuất vỏ bao, Công ty CP sản xuất Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh mang thêm bao tải rác thải nhựa tái chế. Vỏ lon bia, thùng cát tông và nhiều nhất là đồ nhựa được chị thu gom chở cùng xe máy. Chị Mai cho biết đây là số rác gom nhặt của gia đình gần nửa tháng để mang đến công ty "đổi rác lấy tiền".
“Tôi cũng mang lâu rồi. Ở nhà cũng thành thói quen. Ở nhà, các cháu cũng được hướng dẫn đâu là rác thải nhựa, tái chế để các con phân loại rác ngay từ đầu như nhựa, vỏ lon, giấy, túi nilon... Dần dần các con tôi thành thói quen và có trách nhiệm hơn với môi trường”, chị Mai nói.
Điểm thu gom rác thải nhựa tái chế được đặt ngay cổng Nhà máy Xi măng Lam Thạch, phường Phương Nam, thành phố Uông Bí... thuận tiện cho công nhân ghé vào "đổi rác" trước khi xuống phân xưởng làm việc.
Sau khi rác thải tái chế được cân đo đong đếm, tính tiền, công nhân có thể nhận tiền mặt hoặc dùng tem phiếu tích điểm dành tiền trong tài khoản tiết kiệm. Khi đạt đến 300 điểm tích lũy mà chủ tài khoản chưa rút tiền thì Công ty tính lãi suất mức 1%/năm, cao gần gấp đôi lãi suất không kỳ hạn của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay. Những ưu đãi này, đã tạo chuyển biến tích cực cho cán bộ công nhân viên trong công ty và chính người thân trong gia đình.
“Tôi nộp vào đây được 4 tháng rồi. Vừa nộp cho công ty và gia đình cũng đỡ rác mà cũng được tiền, có rất nhiều lợi”, ông Bùi Văn Chiến, công nhân Công ty CP sản xuất Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh chia sẻ.
“Đây là rác của nhà tôi, của hàng xóm, người thân đến đây gửi. Từ ngày phát động phong trào là người dân chúng tôi hưởng ứng. Cũng không mất thời gian đâu vì ngày nào cũng phân loại rác”, bà Lương Thị Hòa, người dân phường Phương Nam, Uông Bí nói.
“Gửi nhiều thành quen vì cứ thứ 4 và thứ 6 là thấy mọi người gửi mà mình không gửi lại thấy thiếu. Bây giờ đi đường thấy 1 vỏ lon bia tôi cũng nhặt vì được 300 đồng, 1 vỏ xi măng được 600 đồng. Chúng tôi thấy có trách nhiệm hơn với môi trường”, ông Trần Văn Quý, công nhân Công ty CP sản xuất Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh.
Để lan tỏa ý nghĩa tích cực, công ty CP xi măng và Xây dựng Quảng Ninh phối kết hợp thành phố Uông Bí, tổ chức cuộc thi vẽ tranh giảm thải rác thải nhựa về môi trường cho các cháu thiếu nhi và bắt đầu từ tháng 10 này, phát động cuộc thi Vracbank: gửi rác - lấy tiền cho tất cả người dân trên địa bàn Uông Bí. Sắp tới, công ty sẽ mở rộng mạng lưới thu mua, phân loại rác thải nhựa tái chế trên địa bàn tỉnh và những hộ gia đình, người dân gom được trên 100 kg sẽ có xe đến tận nhà vận chuyển với giá thu mua cao hơn ngoài thị trường.
Bà Nguyễn Thị Dáng, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Nam, thành phố Uông Bí cho biết: ý nghĩa to lớn nhất của dự án là làm thay đổi nhận thức của người dân nhất là trẻ em trên địa bàn.
“Qua phối hợp triển khai, chúng tôi thấy đây là Mô hình gắn trách nhiệm của từng người dân. Tại nơi sống, người dân phân rác thải từ nguồn, giảm ô nhiễm môi trường, biến những rác thải có giá trị thành tiền. Đây là mô hình sáng tạo và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân”, bà Dáng cho hay.
Hơn 6 tháng triển khai chương trình, công ty đã thu gom được trên 20 tấn rác thải tái chế, trên 100 triệu đồng được chuyển cho khách hàng với khoảng 600 tài khoản VracBank được thiết lập. Ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh cho biết: Xuất phát từ thực tế nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng quá đắt đỏ trong khi đó một kg chất thải nhựa khi đốt sẽ tỏa ra từ 4.000-4.500 KCal tương đương với 1 kg than cám loại 5C.
“Khi công ty thu gom về sẽ cho băm nhỏ rác ra và đưa vào nung clinker. Chất thải này cháy ở trong lò nung clinker nhiệt độ là 1.400 độ C. Tất cả chất thải được cháy hoàn toàn và không phát sinh ra khí, chất thải độc hại khác và không có khói như đốt ở môi trường thông thường. Qua sử dụng rác tái chế vào nung clinker cho sản xuất xi măng, Công ty tiết kiệm được khoảng 10-15% khối lượng than. Với giá than cám 4A có thời điểm trên 2 triệu đồng 1 tấn thì trong một năm sẽ làm lợi được hơn 13 tỉ đồng từ việc sử dụng nguyên rác tái chế làm nguyên liệu”, ông Hiệt nói.
Xuất phát từ những thực tế sản xuất, việc triển khai “Gửi rác - Rút tiền" đã giúp công ty nhận được sự hưởng ứng tích cực không chỉ công nhân nhà máy mà còn cả người dân thành phố Uông Bí. Việc này, vừa làm lợi cho hoạt động kinh doanh, xa hơn là có thể xử lý rác thải tái chế mà không phát sinh ra khí độc hại cho môi trường.
Đây cũng là việc làm thiết thực nhất của Công ty CP xi măng và Xây dựng Quảng Ninh hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trong việc giảm khí thải các bon, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, phấn đấu đến năm 2050, Việt Nam đạt chỉ số phát thải ròng bằng 0 như cam kết tại Hội nghị COP 26./.