Mấy năm trước, nhờ nuôi heo mà gia đình ông Huỳnh Tấn Linh, ở thôn An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam khấm khá lên. Ông Linh cho biết, thời gian gần đây, giá heo giảm xuống, người mua ép giá, người chăn nuôi gặp khó khăn. Hiện tại, chuồng trại của ông Linh có 60 con heo đến kỳ xuất chuồng nhưng không bán được.

vov_tieu_thu_heo_o_quang_nam_dgzr.jpg
Giá heo giảm khiến gia đình anh ông Huỳnh Tấn Linh, ở thôn An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam đứng ngồi không yên.

Theo ông Linh, trước đây, khi giá heo ổn định, có thời điểm, gia đình ông Linh bán 44.000 đồng- 49.000đ/ký heo hơi, nay giảm còn 35.000 - 38.000 đồng/ký.

"Khó khăn đủ thứ. Hiện tại heo nhà cỡ 500 ký kêu bán mà họ không mua, hẹn miết. Giá 38.000 đồng/ký nhưng không ai mua. Heo thì bán không được nhưng thức ăn heo duy trì hàng ngày. Một ngày chi phí ăn khoảng 100.000 đồng/ngày. Khó khăn bây giờ là duy trì thức ăn cho heo thôi", ông Linh cho biết.

Hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Gia đình ông Nguyễn Khoa, ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên chuyên nuôi heo nhưng nay heo rớt giá cả nhà đứng ngồi không yên…

Ông Khoa cho biết thêm, vốn bỏ ra ban đầu mua heo chừng 50 triệu đồng, mỗi tháng bỏ ra tầm 10 triệu đến 15 triệu chi phí thức ăn cho heo, nhưng heo không bán được.

"Giá heo xuống còn 34.000 đến 35.000 đồng/ký hơi. Khó khăn chung là giờ heo bán không được. Trước bán cỡ 45.000 đồng thì mình kiếm được 3.000 đồng/ký hơi nhưng giờ 35.000 đồng không ai mua. Chúng tôi nuôi heo siêu nạc, heo của trạng trại, ban đầu bỏ vốn mua 40 mươi con cỡ 50 triệu đồng", ông Khoa chia sẻ.

Giá heo rớt giá thảm do tâm lý người dân e ngại trước tình trạng dịch tả heo châu Phi.

Theo người dân nơi đây, nguyên nhân dẫn đến heo rớt giá thê thảm như hiện nay là do tâm lý của người dân e ngại trước tình trạng dịch tả heo Châu Phi.

Ông Lê Trung Cường, phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, phần lớn phụ thuộc vào thị trường và tâm lý của người dân khi mà có tình trạng dịch bệnh xảy ra, thì chắc chắn về vấn đề tiêu thụ sản phẩm thịt lợn cũng khó khăn và nó giảm sút.

"Người dân lo lắng, lo tiêu thụ sớm. Về phía các ngành chức năng cũng sẽ tuyên truyền, sẽ hỗ trợ cho người dân, trước hết là tâm lý, thứ 2 là điều kiện về tiêu thụ sản phẩm, trong thời gian nếu dịch xảy ra", ông Cường cho hay./.