Trong bối cảnh rủi ro ngoại sinh gia tăng, diễn biến phức tạp và khó lường nhưng nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở và hội nhập sâu rộng, việc xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa doanh nghiệp (DN) vượt qua thách thức, khắc phục hạn chế, tồn tại, tăng khả năng kháng cự và thích ứng với các cú sốc bên ngoài của nền kinh tế là việc làm hết sức cấp bách.

vov_cvl_wgpw.jpg
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực.

Một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển của DN Việt Nam hiện nay, đó chính là việc đảm bảo nguồn vốn. Nhưng theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, các DN hiện nay phát triển thiếu cân bằng trong việc huy động nguồn tài chính. DN quá lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng trong khi thị trường vốn cổ phiếu, trái phiếu DN phát triển chưa mạnh mẽ, chưa tương ứng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN.

“Các DN hiện nay vay nợ nhiều, hệ số đòn bẩy cao nên một khi có biến động bên ngoài sẽ gặp rủi ro rất lớn và khả năng không trả được nợ rất cao. Do đó, các DN cần xem xét lại năng lực tài chính của mình đặc biệt liên quan đến hệ số nợ, hệ số đòn bẩy”, TS. Cấn Văn Lực nêu rõ.

Để có sự chuẩn bị, chủ động trước những biến động của nền kinh tế thế giới có tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN Việt Nam cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón lường các thuận lợi, thách thức đem lại. Trong đó, việc chủ động đối mới, nâng cao năng lực cạnh tranh là tiền đề cơ bản và quan trọng để các DN thích ứng và tồn tại.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao trình độ quản trị, chất lượng sản phẩm, có chiến lược phát triển kinh doanh, thị trường và thương hiệu. Tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ trong bối cảnh kinh tế số, kinh doanh số. Để làm được điều này, yếu tố cơ bản vẫn là phát triển nguồn nhân lực, DN cần chú trọng lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao, có kiến thức về kinh doanh số và ngoại ngữ…

Ngoài ra, để nâng cao năng lực hội nhập, các DN cần chú trọng việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực theo các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết, đảm bảo hưởng tối đa các ưu đãi, tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại mang lại. Chủ động nắm bắt thông tin và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế để chủ động đưa ra chiến lược hoạt động phù hợp.

Theo TS. Cấn Văn Lực, doanh nghiệp muốn tăng khả năng chống chịu đối với cú sốc bên ngoài của nền kinh tế cần nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị tài chính, cấu trúc vốn và đòn bẩy tài chính.

“DN cần chủ động tìm hiểu và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hóa) như các công cụ tài chính phái sinh; tăng tính minh bạch, quản trị bài bản để có thể tham gia sâu hơn vào thị trường vốn. Ngoài ra cần chủ động nắm bắt tính chu kỳ của nền kinh tế và của từng ngành nghề sản xuất, kinh doanh cụ thể cũng như diễn biến thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để xây dựng phương án dự phòng, cũng như các kịch bản ứng phó”, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo.

TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Để thích ứng và tăng cường tính cạnh tranh trong bối cảnh mới, TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lưu ý, các DN cần nâng cao sức cạnh tranh của mình bằng việc đầu tư thêm vào công tác nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng; tăng cường tính liên kết giữa các DN với các cơ quan nhà nước. Bởi khi DN có những sản phẩm và mô hình mới hay có thông tin cập nhật, cần chia sẻ với các cơ quan nhà nước để họ hiểu rõ hơn về nội tại của DN từ đó hỗ trợ và tạo ra những khung pháp lý tạo điều kiện cho DN.

Mặt khác theo TS. Hà Huy Tuấn, trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, thông tin và số liệu rất quan trọng nên các DN phải tăng cường chia sẻ, cập nhật thông tin và tăng cường trao đổi với nhau. Những DN vừa và nhỏ cần tăng cường liên kết trong đầu tư nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu được mức đầu tư, từ đó tận dụng được những sáng tạo, những nghiên cứu của các DN đối tác có cùng định hướng.

Và để làm được những điều này, TS. Hà Huy Tuấn cho rằng, tập trung phát triển nguồn nhân lực là yếu tố căn bản của mỗi DN. Trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn nhân lực giữa các DN đang diễn ra hết sức khốc liệt, đòi hỏi mỗi DN cần đầu tư nhiều hơn trong việc đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao. Khi được đầu tư thích đáng, tự thân nguồn nhân lực sẽ đưa ra được những giải pháp, những mô hình mới, giúp DN tăng cường tính cạnh tranh bền vững./.