Hội thảo “Sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước trước hàng hoá nhập khẩu” đã diễn ra tại Hà Nội sáng 28/7.

Hội thảo do Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (Mutrap III) tổ chức nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng và các đơn vị liên quan có được đầy đủ thông tin về việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành mình, từ đó có bước chuẩn bị một cách chủ động và thích hợp để đối phó với hàng hoá nhập khẩu, duy trì và bảo vệ sản xuất trong nước.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh nhấn mạnh: “Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mình trên thị trường nội địa trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hoá nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý nhà nước điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu”.

Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, hiểu biết của các Hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về quyền được sử dụng, các thủ tục, phương pháp và kỹ năng cần thiết để sử dụng các công cụ này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hoá nhập khẩu còn nhiều hạn chế.

Trong khi đó, bên cạnh việc phải đối phó với những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ (TRms) của nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hoá trên thị trường nội địa còn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với hàng hoá ngoại nhập ngay trên thị trường Việt Nam.

Trong quá trình xâm nhập thị trường Việt Nam, phía nước ngoài không loại trừ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá, bán hàng hoá được trợ cấp hoặc lợi dụng thời cơ ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, gây thiệt hại hoặc đe doạ sự tồn tại đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, dẫn đến nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” của các doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Vũ Bá Phú- Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh: “Các biện pháp khắc phục thương mại là những công cụ được WTO cho phép các nước thành viên sử dụng một cách hợp pháp. Việc xây dựng, ban hành và áp dụng các biện pháp này của các nước thành viên phải tuân thủ các hiệp định về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của WTO”.

Trong số 3 biện pháp trên, biện pháp tự vệ là công cụ được các nước nhập khẩu sử dụng trong trường hợp hàng hóa nước ngoài có số lượng hoặc kim ngạch nhập khẩu tăng đột biến trong một khoảng thời gian ngắn dẫn đến nguy cơ gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành sản xuất trong nước sản xuất ra sản phẩm cùng loại hoặc tương tự sản phẩm nhập khẩu.

Như vậy, đây là một biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước một cách tạm thời, khi năng lực cạnh tranh của sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước thấp hơn của sản phẩm nhập khẩu.

Thời hạn áp dụng biện pháp này là 4 năm cho lần đầu áp dụng và 6 năm cho lần thứ hai áp dụng đối với nước đang phát triển, đối với nước phát triển thời hạn áp dụng lần hai chỉ là 4 năm.

Chống bán phá giá và chống trợ cấp là các công cụ mà các nước sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài (do có hành vi bán dưới giá thông thường hoặc bán hàng hóa có trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu).

Các biện pháp này thường được áp dụng cho 5 năm và có thể gia hạn tiếp nếu kết luận điều tra cho thấy hàng hóa nước ngoài nhập khẩu tiếp tục được bán phá giá hoặc trợ cấp của chính phủ. Như vậy, đây không phải là những biện pháp tạm thời!

Trong những năm qua, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng vào hoạt động kinh tế quốc tế, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã từng “làm quen” với việc đối phó với các vụ kiện TRms của nước ngoài. Trong đó có những vụ gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta như vụ giày mũ da, xe đạp xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU), vụ cá tra-basa, tôm đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ...

Để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm thông tin nhằm chủ động đối phó với các vụ kiện của nước ngoài, các luật sư đến từ các công ty Luật nước ngoài như Baker&Mckenzie, Gide Louyrette đã phổ biến kinh nghiệm về việc triển khai điều tra phòng vệ thương mại của cơ quan điều tra nước ngoài và việc chuẩn bị bồ sơ, tài liệu của doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài để yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành khởi xướng điều tra./.