Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ vùng ĐBSCL đã có sự quan tâm đầu tư. Giao thông đường bộ hình thành theo trục dọc, trục ngang; hệ thống đường vành đai liên kết với nhau đã phần nào đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế- xã hội của vùng.

Tuy nhiên, đến nay hệ thống kết cầu hạ tầng giao thông vẫn chưa theo kịp sự phát triển. Các trục giao thông chính gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế. Đây là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

cannamcan_pkhg.jpg
Cầu Năm Căn nối liền mảnh đất cực Nam Tổ quốc.
Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - vùng đất cực Nam Tổ quốc trước đây bị chia cắt bởi con sông Cửa Lớn giờ đây khi cây cầu Năm Căn hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mở ra nhiều cơ hội phát triển giao thương mà hàng trăm năm qua, người dân nơi cuối cùng đất nước luôn mong đợi. 

Tại ĐBSCL, cùng với cầu Năm Căn, những chiếc cầu lớn như Cần Thơ, Hàm Luông, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Đầm Cùng, Mỹ Lợi... hoàn thành đã phá thế ngăn sông, cách trở đò giang, không chỉ của từng địa phương mà còn của cả Vùng; đồng thời trở thành điểm tham quan thu hút khách du lịch khi có dịp đến với vùng đất này.

Bà Phạm Thị Xem ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang bày tỏ niềm phấn khởi khi cây cầu Mỹ Lợi được thông tuyến: “Phà giang mỗi lần qua rất phức tạp. Giờ đây có cây cầu Mỹ Lợi tạo điều kiện cho các gia đình đi lại thuận tiện, con cái đi học ở TP HCM về không phải chịu cảnh chờ đợi”, bà Xem cho biết.

Giai đoạn 2010 - 2015, tổng kinh phí Trung ương đầu tư cho các công trình giao thông vận tải đã hoàn thành tại ĐBSCL là hơn 58.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực đường bộ đã đầu tư hoàn thành khoảng 34 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 52.000 tỷ đồng; xây dựng và nâng cấp mở rộng hơn 1.000 km đường, hơn 60 km cầu. Cũng từ đó, giao thông đi trước một bước đã góp phần tạo sự phát triển cho kinh tế.

Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, trước đây,  nếu từ TP HCM về Bến Tre phải mất gần 3 giờ, nhưng sau khi có hệ thống cầu đường bắc qua các con sông lớn để nối liền 3 đảo của Bến Tre, công nghiệp của địa phương có sự khởi sắc, diện tích trong 2 khu công nghiệp đã được lấp đầy.

Dù đạt một số kết quả đáng khích lệ về giao thông, nhưng so với tình hình chung của cả nước và nhu cầu phát triển của ĐBSCL thì hệ thống giao thông còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhấn mạnh, nhu cầu đầu tư hệ thống giao thông ở ĐBSCL là rất lớn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ở khu vực này luôn cao hơn so với các vùng miền khác do địa chất ở đây mềm, yếu, nhiều sông rạch. Nhiều dự án cần phải làm nhưng thời gian qua triển khai, thi công chậm.

Hiện nay, ngoài đường cao tốc TP HCM - Trung Lương là đáp ứng tốt lưu thông đi lại… hàng loạt quốc lộ ở ĐBSCL bị xuống cấp, mặt đường nhỏ, hư hỏng nặng. Ngay cả Quốc lộ 1 cũng có nhiều đoạn hư hỏng, quá tải. Có dự án triển khai nhưng vẫn ì ạch, nhất là đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. 

Chính vì thế, ông Nguyễn Văn Thể nêu rõ, để đột phá về giao thông, việc đầu tư cần làm nhanh và có trọng điểm; tập trung cho những tuyến đường có kết nối tốt với lợi thế phát triển kinh tế.

“Theo kế hoạch trong giai đoạn từ năm 2016- 2020 sẽ có 39 dự án giao thông được đầu tư xây dựng ở ĐBSCL với kinh phí trên 73.000 tỷ đồng. Trong đó, cùng với tuyến đường cao tốc TP HCM đi Trung Lương đã đưa vào sử dụng, tuyến Trung Lương đến Mỹ Thuận khởi công lại vào tháng 2/2015 sẽ rút ngắn khoảng cách từ TP HCM đi Cần Thơ và các tỉnh trong vùng. Đến năm 2019 sẽ hoàn thành tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (nối Cần Thơ - Kiên Giang); cùng với cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh đưa vào sử dụng góp phần giảm áp lực giao thông Quốc lộ 1”, ông Thể cho biết.

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT nêu rõ, hiện Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính có sự phối hợp với các tỉnh thành ĐBSCL khẩn trương rà soát, chọn các dự án “ưu tiên” đầu tư cấp bách cho giao thông vùng ĐBSCL, từ các nguồn vốn như trái phiếu Chính phủ, vốn tập trung, vốn ODA, các chương trình mục tiêu… Từ đó, tập trung đầu tư những công trình cấp bách vì sự phát triển của ĐBSCL.

“Giao thông phải đi trước một bước để phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Bên cạnh đó còn giảm chi phí cho doanh nghiệp và cho xã hội. Các dự án hoàn thành tạo điều kiện cho các sản phẩm nông sản của người dân ĐBSCL có cơ hội giao thương với các sản phẩm khác trong các vùng của cả nước, khu vực và thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.

Là vùng kinh tế nông nghiệp xuất khẩu nông sản chủ lực của cả nước, hiện nay ĐBSCL có đến 80% khối lượng hàng hóa phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại TP HCM để xuất khẩu. Thế nhưng, hệ thống đường bộ trong toàn khu vực vẫn chưa có sự kết nối chặt chẽ và còn nhiều trở ngại trong đầu tư. Chính vì thế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đang là đòi hỏi và nhu cầu bức xúc của ĐBSCL./.