Chiều nay (21/11), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng về tình hình kinh tế - xã hội. Đánh giá Sóc Trăng là tỉnh còn khó khăn, Thủ tướng cho rằng, Sóc Trăng cần nỗ lực vươn lên, từng bước trở thành tỉnh có thu nhập trung bình của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng về tình hình kinh tế - xã hội. |
Sóc Trăng là tỉnh có điều kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhận trợ cấp 70% từ ngân sách Trung ương hằng năm. Cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tuy vậy, gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhất là trong năm 2016, mặn xâm nhập diễn ra nghiêm trọng, hạn hán kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Trong đó, 31.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp đã bị thiệt hại. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh đặt ra trong năm nay là trên 8%, nhưng sau 10 tháng của năm, kinh tế mới tăng trưởng trên 5,2%.
Cùng bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Sóc Trăng, lãnh đạo các Bộ cho rằng, trước mắt, tỉnh cần tìm nguồn để nạo vét kênh mương, đối phó với hạn hán và biến đổi khí hậu. Tỉnh cũng cần huy động vốn để nâng cấp tuyến Quốc lộ 60 đoạn qua tỉnh, vì đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó là chủ động thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước với nhiều hình thức đầu tư.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng thời gian qua đã có nhiều cố gắng. Tuy khó khăn nhưng vẫn thực hiện tốt xây dựng nông thôn mới, với 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm ngoái. Đánh giá Sóc Trăng là tỉnh còn khó khăn, nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, tỉnh chưa khai thác được những tiềm năng lớn như đất đai rộng lớn, giao thông thuận lợi, lao động dồi dào, văn hóa đặc sắc.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Đối diện khó khăn thách thức vẫn có những thuận lợi, chứ không chỉ có khó khăn không. Đảng bộ Sóc Trăng cần có ý chí vươn lên trở thành tỉnh không còn khó khăn, không còn là một tỉnh nghèo. Thay vào đó là từng bước vươn lên để trở thành tỉnh có thu nhập trung bình của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong khó khăn vẫn có thuận lợi. Ví dụ, những đặc sắc của người Khmer chính là một lợi thế mà tỉnh có thể khai thác phát triển du lịch”.
Từ các thế mạnh về văn hóa đặc sắc của người dân Sóc Trăng, trong đó có người Khmer, Thủ tướng cho rằng, Sóc Trăng cần đẩy mạnh phát triển du lịch. Cùng với đó là dịch vụ lưu trú, chiến lược phát triển hàng lưu niệm để thu hút khách.
Thủ tướng cũng gợi ý Sóc Trăng cần xem lại quy hoạch phát triển gắn với biến đổi khí hậu. Cùng với đó là tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ hơn, gắn với đảm bảo đời sống của nhân dân, giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu: “Sóc Trăng không thể đặt vấn đề là trồng lúa hết mà phải nghiên cứu sản xuất những gì có hiệu quả. Ví dụ như nuôi bò, phát triển thành vùng nguyên liệu tôm lớn của đất nước gắn với chế biến; phát triển một số cây ăn quả ra tấm, ra món hơn. Đặc biệt là con tôm, Sóc Trăng có thể đẩy mạnh phát triển thành vùng nguyên liệu tôm lớn thứ hai, thứ ba cả nước”.
Đi liền với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, Thủ tướng cho rằng, Sóc Trăng cần thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa, qua đó góp phần giải quyết việc làm. Muốn thu hút được doanh nghiệp, ngoài cơ chế tốt tỉnh cần có sự chuẩn bị về mặt bằng đất sạch cho nhà đầu tư. Để phát triển đội ngũ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Sóc Trăng phải xây dựng chương trình khởi nghiệp để phát triển doanh nghiệp tại địa phương.
Nhấn mạnh tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao, Thủ tướng chỉ đạo Sóc Trăng phải coi giảm nghèo trong đồng bào là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó phải tìm nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao, từ đó có biện pháp giảm nghèo, như thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Cùng với đó là không để người dân thiếu đói, bệnh tật.
Lãnh đạo tỉnh cho biết đang xác định một số hướng đi để đưa Sóc Trăng dần thoát khỏi khó khăn, trong đó tận dụng các địa danh để phát triển du lịch và dịch vụ. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư tuyến tàu du lịch cao tốc đi Côn Đảo để phát triển du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp./.