Diễn đàn Công nghiệp Chế tạo và Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Reed Tradex (Thái Lan), Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và Sở Công thương Hà Nội (HTPC) phối hợp tổ chức chiều 11/8, tại Hà Nội.

Trong những năm gần đây, sự phát triển của khoa học công nghệ và ngành công nghiệp phụ trợ đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế của các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, Hà Nội là một trong những thành phố có tiềm năng lớn trong việc phát triển và phân phối các sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Hà Nội đã và đang tiến hành nhiều biện pháp để kích thích sự phát triển của công nghiệp phụ trợ và các sản phẩm công nghiệp chính nhằm giúp các doanh nghiệp trong việc ứng dụng các công nghệ sản xuất hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh cũng như chuyển đổi sang chế tạo, gia công và lắp ráp với giá trị gia tăng cao.

Tại hội thảo các đại biểu cho rằng: Hiện nay ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta đang gặp nhiều thách thức, còn nhiều yếu kém và vẫn chưa phát triển được lợi thế sẵn có. Theo ước tính của Bộ Công thương, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lệ thuộc đến gần 80% vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng linh kiện nhập khẩu. Trong đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô chỉ chiếm con số khiêm tốn khoảng 5 đến 10%, phụ tùng xe máy chiếm 40% đến 70%, trong khi đó các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lưu Tiến Long, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh: Công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện nay chưa phát triển được là vì việc nâng cao năng lực cạnh tranh còn gặp nhiều hạn chế do doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu chưa kịp đổi mới. Chúng ta phát triển chậm hơn so với các nước khác nên việc tham gia vào sản phẩm trong chuỗi một sản phẩm chính rất khó khăn.

Trong khi đó, ông Chainarong Limpkittisin, Giám đốc Công ty Reed Tradex của Thái Lan lại cho rằng: “Để phát triển công nghệ hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian tới, Việt Nam cần phải suy nghĩ đến các yếu tố chất lượng, giá thành sản xuất, thời hạn giao hàng và kỹ năng sản xuất của người công nhân. Tôi thấy Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Đối với các nhà sản xuất trong nước nên tập hợp lại với nhau lại để nâng cao sức cạnh tranh, năng suất sản xuất để đưa ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển”.

Về phần mình, ông Hirokazu Yamaka, Trưởng Đại điện JETRO tại Hà Nội cho rằng: Thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao nhiều công nghệ mới cho Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện chúng tôi đã và đang đến các nhà máy sản xuất để tìm kiếm, hỗ trợ sản xuất về mặt quản lý, cũng như các kỹ thuật để việc sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển trong thời gian tới./.