Thời gian gần đây, ngoài việc đối mặt với thời tiết, dịch bệnh, bà con nông dân ĐBSCL còn lo ngại trước tình trạng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, bị làm giả, nhất là sản phẩm phân bón.
Ông Nguyễn Văn Năng, ở xã Long Thắng huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp giờ đây mất trắng 5 công lúa khi mua nhầm sản phẩm phân bón kém chất lượng. Ngay từ đầu vụ lúa thu đông này, tin lời của đại lý bán vật tư nông nghiệp, ông đã mua về và phun xịt trên lúa với sản phẩm được cho là có chất lượng của một công ty sản xuất phân bón hàng đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi phun xịt, lúa bị ngấm thuốc và thúi rễ rồi chết dần.
Trao đổi về vấn đề này, ông Năng cho biết, người dân lâu nay hoàn toàn tin tưởng vào lời tư vấn từ các đại lý bán phân thuốc. Bởi phân bón kém chất lượng nếu nhìn bề ngoài không biết được, chỉ nhận biết sau khi bón lên cây. Có thể nói, việc mua phải phân bón giả là chuyện đã rồi, nhưng điều quan trọng là cả vụ mùa bị mất trắng hoặc năng suất bị ảnh hưởng rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Năng cho biết thêm: “Tôi thấy lúa bị đạo ôn nên đã đến đại lý mua vật tư về chữa trị và sau đó mua sản phẩm comcat để kích thích ra rễ. Nhân viên đại lý đã tư vấn tôi sử dụng thêm loại sản phẩm nước. Tin lời tôi mua về dùng, vài ngày sau cây rụi hết lá, đứt củ và chết luôn”.
Theo nhận định của ngành chức năng, những năm gần đây nạn kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL đang có diễn biến phức tạp và có chiều gia tăng về chủng loại, khối lượng với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đánh lừa người sử dụng và qua mắt công tác kiểm tra. Trong đó, phân bón giả, phân bón kém chất lượng được lực lượng quản lý thị trường phát hiện nhiều nhất tại An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang chiếm trên 84% vụ vi phạm kém chất lượng và 80% vụ vi phạm phân bón giả trên cả nước.
Tại Cần Thơ, trong năm ngoái, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố sau khi kiểm tra đã phát hiện 87/193 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn vi phạm. Riêng trong quý 1 năm nay, cơ quan này đã phát hiện và xử lý 32 cơ sở vi phạm.
Có thể nói, mặc dù liên tục thay đổi mẫu mã để chống hàng giả nhưng do lợi nhuận mang lại quá lớn khi sản xuất hàng giả nên thời gian qua, tình trạng “vàng thau lẫn lộn” của thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cứ như mớ “bòng bong” thách thức cơ quan chức năng.
Kỹ sư Trần Thị Mai Phương, Công ty hóa nông Lúa Vàng có chi nhánh tại Cần Thơ cho biết, thời gian qua, đã có nhiều phản ánh đến công ty về tình trạng một số sản phẩm của đơn vị bị làm giả, trong đó có sản phẩm comcat... Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng khó có thể có những giải pháp triệt để: Thường những sản phẩm vi phạm và làm nhái đều quảng cáo, in chữ là phân bón lá, phân vi lượng. Để chống hàng giả, chúng tôi đã in logo nổi phía sau bao. Khi cắt bên trong sẽ có thêm 2 logo nổi.
Như vậy, ngoài chịu cảnh bấp bênh của thị trường, người nông dân phải gánh thêm việc mua nhầm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả. Do đó, đã khó lại càng khó hơn đối với người nông dân dãi dầm cùng đồng ruộng.
Một thực tế cho thấy, sự lộn xộn tồn tại lâu nay trên thị trường phân bón xuất phát từ nhiều nguyên nhân: hành lang pháp lý trong việc chống hàng gian, hàng giả ở nước ta vẫn chưa hoàn thiện; việc đưa ra các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Thêm vào đó, tâm lý ưa chuộng hàng rẻ, có mẫu mã đẹp của một bộ phận nông dân cũng là yếu tố quan trọng để phân bón kém chất lượng tồn tại.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết: “Việc thanh tra, kiểm soát phân bón giả cũng không hề đơn giản. Trong khi máy móc hỗ trợ nhận biết còn thiếu; đồng thời, số tiền xử phạt lại chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận mà doanh nghiệp sản xuất phân bón giả thu được. Về vấn đề vật tư nông nghiệp kém chất lượng khi đoàn thanh tra kiểm tra lấy mẫu, gửi trung tâm kiểm nghiệm kết quả lần 1 ghi nhận ở đó. Doanh nghiệp được lấy mẫu đi kiểm nghiệm lần 2 và lần thứ 2 thường là kết quả cuối cùng. Như vậy, chúng tôi không bao giờ phạt được vì kết quả lần 2 thường là tốt. Cho nên, theo tôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị lên Chính phủ cho phép chọn những Trung tâm chất lượng, sau đó đầu tư thiết bị hiện đại để khi có kiểm nghiệm thì đây là kết quả cuối cùng”.
Việc siết chặt công tác quản lý thị trường phân bón theo hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý, có đủ chế tài để răn đe hành vi vi phạm là việc làm cấp bách. Tuy nhiên, người sử dụng các sản phẩm nông nghiệp cũng cần có thêm kiến thức và kinh nghiệm sử dụng sản phẩm nông nghiệp qua công tác tuyên truyền, tập huấn từ ngành chuyên môn để có thể chủ động làm chủ ruộng đồng là việc làm quan trọng không kém. Nếu như vậy, mới có thể nói đến sản xuất nông nghiệp hướng tới bền vững với chi phí sản xuất phù hợp, mang lại lợi nhuận cho nông dân và hạn chế những hệ lụy về môi trường./.