Ngay sau khi Trung Quốc phá giá đồng NDT tới 4,6%, giới quan sát quốc tế có những nhận định khác nhau, trong đó có những ý kiến cho rằng, Trung Quốc đã khơi mào cho một cuộc “chiến tranh tiền tệ”, rằng Bắc Kinh có thể cho phá giá đồng nội tệ của mình xuống đến 10%, khiến dư luận quan ngại về nguy cơ một cuộc “chiến tiền tệ” đang cận kề. Vậy, đâu là cơ sở để tin rằng có hay không “cuộc chiến” sắp nổ ra?

Từ tìm kiếm “điểm cân bằng”…

Mặc dù đã hạ giá đồng NDT lần thứ ba liên tiếp trong các ngày 11-13/8, nhưng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn trấn an và khẳng định rằng “không có cơ sở” cho sự mất giá kéo dài và Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng can thiệp trong trường hợp biến động quá mức.

Theo đó, ngày 14/8 Trung Quốc lại tăng tỷ giá lên mức 0,05%, và trong hai ngày liên tiếp (18-19/8) Trung Quốc lại bơm số tiền lớn cho thị trường với con số 230 tỷ NDT (35 tỷ USD) thông qua các ngân hàng chủ chốt của nền kinh tế, với thời hạn sử dụng 6 tháng và lãi suất chỉ là 3,35%, nhằm duy trì khả năng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và hỗ trợ các doanh nghiệp.

 

best_20120529_145616_1_mf0u4xafgeb_jpeg_tihe.jpg
Những lập luận về nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” đang cận kề do  phá giá đồng NDTlà chưa đủ tính thuyết phục. (Ảnh: Internet)
Giới phân tích cho rằng, khi quyết định giảm mạnh tỷ giá của đồng NDT, Bắc Kinh nhắm tới việc khôi phục năng lực xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, mức tăng 7% là thấp nhất trong hơn 10 năm qua và có thể suy giảm hơn nữa trong các năm tiếp theo.

Vụ nổ “bong bóng” chứng khoán hồi đầu tháng 6, khiến nhiều thị trường tài chính trên thế giới bị liên lụy và đồng loạt sụt giảm, đẩy giá cả nguyên liệu đi xuống, nhất là dầu mỏ, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng theo đó sụt giảm ở mức đáng lo ngại  vơi 315 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay, hiện chỉ còn ở mức 3,65 nghìn tỷ USD…

Vì thế, có nhiều ý kiến phê phán Trung Quốc là khởi động một cuộc “chiến tranh tiền tệ” mới, và dự đoán Trung Quốc sẽ thả nổi cho đồng NDT tụt dốc xuống đến mức 10% giá trị.

Hãng tin MỹBloomberg tiết lộ, chỉ vài phút trước khi kết thúc các giao dịch ngoại tệ tại Trung Quốc (13/8), PBOC đã ồ ạt thu mua USD nhằm chặn đà tụt dốc của NDT, bởi điều này có thể khuyến khích hiện tượng vốn chạy ra khỏi Trung Quốc cũng như làm chi phí nhập khẩu gia tăng và thổi phồng khối nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Vì thế, cũng theo giới quan sát, PBOC đang nỗ lực kiểm soát các động thái phá giá đồng tiền nhằm tìm đúng “điểm cân bằng”, vừa hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu, lại vừa hạn chế rủi ro đồng NDT giảm giá quá mạnh khiến các đồng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Đến nâng cao vị thế đồng NDT…

Việc Trung Quốc quyết định “thả nổi có kiểm soát” đồng NDT, tuy là việc bất ngờ vì trước đó Trung Quốc còn tìm cách nâng giá để ngăn cản sự tẩu tán tài sản ra ngoài và hy vọng đưa NDT trở thành đồng tiềm có khả năng dự trữ phổ biến và thanh toán toàn cầu.

Tuy nhiên, vừa qua Trung Quốc lại làm điều ngược lại, với lý do mà giới chức tài chính giải thích rằng: Thứ nhất là do xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, tới gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái; Thứ hai là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra nhận định rằng đồng NDT của Trung Quốc chưa đủ tiêu chuẩn để trở thành ngoại tệ dự trữ quốc tế (SDR).

Nhìn vào bảng giá cổ phiếu, người ta dễ nhận thấy rằng, giá cổ phiếu của tập đoàn chế tạo máy China Machinery Engineering Corp tăng tới 5,9% tại thị trường Hong Kong; cổ phiếu hãng công nghệ Lenovo tăng 2,9%, do 2 công ty này có hơn 65% doanh thu là từ thị trường xuất khẩu. Ngành xuất khẩu ô tô, dệt may của Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ việc đồng NDT giảm giá, vì họ sẽ có giá cạnh tranh để thâm nhập mạnh hơn vào các thị trường.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng chỉ ra rằng, việc đồng NDT bất ngờ bị phá giá cũng khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thiệt hại nhiều tỷ USD trong bối cảnh nợ nần chồng chất và nền kinh tế đang giảm tốc.

Theo tờ Wall Street Journal, mấy năm qua, lãi suất toàn cầu ở mức siêu thấp và tình trạng thắt chặt cho vay trong nước đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài vay vốn để được hưởng mức lãi suất “mềm” hơn. Nhưng khi đồng NDT bị phá giá mạnh khiến các doanh nghiệp Trung Quốc vay nợ bằng ngoại tệ sẽ phải trả gánh nợ nặng nề hơn, do quy đổi đồng NDT sang đồng USD khi thanh toán.

Được biết, tổng dư nợ của các công ty Trung Quốc hiện đã ở mức 367,7 tỷ USD. Trong vòng 5 năm tính đến hết năm 2014, lượng trái phiếu USD phát hành mới của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng 5 lần lên 135 tỉ USD. Các công ty bất động sản là đối tượng vay nợ lớn nhất từ thị trường nước ngoài, và giờ đây dư nợ trái phiếu bằng USD trong bảng cân đối kế toán của họ đã đã đạt con số 62,5 tỷ USD.

Khi NDT giảm giá, những doanh nghiệp Trung Quốc có tỷ lệ nợ nước ngoài cao sẽ bị đánh tụt điểm tín nhiệm. Theo đó, các công ty này sẽ phải trả mức lãi suất cao hơn cho những đợt huy động vốn tiếp theo, và có thể đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì khó “đảo nợ”, khi tín nhiệm thấp.

Vì thế, phát động “cuộc chiến tranh tiền tệ” trong bối cảnh hiện nay là nhận định chưa phù hợp với mục tiêu nâng các vị thế của đồng NDT để đồng tiền này sớm được IMF xét tuyển và nằm trong “rổ tiền” có khả năng thanh toán toàn cầu vào tháng 9/2016.  

Và cuộc “đua phá giá” khó xảy ra…

Được biết “chiến tranh tiền tệ” phải có những dấu hiệu là: các quốc gia đua nhau phá giá đồng nội tệ, khiến đồng tiền của họ rẻ hơn, theo đó hàng hóa xuất khẩu có giá cả cạnh tranh hơn. Đây thực sự là một hình thức cạnh tranh thương mại bất chính thông qua công cụ tỷ giá để kích thích xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

Chính sách giữ ổn định tỷ giá đồng NDT so với USD mà Trung Quốc áp dụng từ đầu năm 2015 đến nay đối lập với những gì diễn ra ở châu Âu, Nhật Bản và các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi… Các nước này đều kết hợp giữa cắt giảm lãi suất và các biện pháp kích thích tiền tệ mạnh tay khiến đồng nội tệ suy yếu, có lợi cho xuất khẩu.

Ngoài ra, nhiều nước kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm tăng lãi suất đẩy đồng USD tăng giá, theo đó càng làm gia tăng áp lực giảm giá đối với đồng tiền của họ.

Trong khi PBOC đã không đi theo hướng của các ngân hàng trung ương khác. Giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc làm đồng NDT suy yếu có thể buộc các quốc gia khác phải hạ thêm lãi suất và giảm tỷ giá đồng nội tệ, gây tác động bất lợi cho không chỉ các nước láng giềng, như Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… mà còn tác động có tính toàn cầu.

NDT mất giá mạnh còn gây thiệt hại cho các quốc gia xuất khẩu nhiều nguyên vật liệu thô và hàng chế tạo sang Trung Quốc (đậu tương, than, nickel, và quặng sắt…) của Australia và các nước My Latinh.

Theo các chuyên gia, các nước như Nhật Bản và EU hiện có ít khả năng có thêm động thái tiếp tục làm suy yếu đồng nội tệ của họ hơn nữa. Ngay cả Mỹ - đối tượng cạnh tranh chủ yếu của đồng NDT với đồng USD, thì FED cũng khó có thể một lần nữa tung ra gói QE trong bối cảnh lãi xuất đã duy trì quá lâu ở ngưỡng gần 0%.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, những lập luận về nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” đang cận kề là chưa đủ tính thuyết phục, vì “cuộc chiến” này không đủ các yếu tố để xẩy ra và có thể là nằm ngoài sự mong đợi của Bắc Kinh./.