Đầu năm nay việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu theo Nghị định 103 của Chính phủ đã mang lại niềm vui cho người lao động.

Ngoài tăng lương, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng duy trì các khoản phụ cấp đối với người lao động và mức thưởng Tết năm nay theo mặt bằng chung cũng khá cao. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, gặp khó trong việc điều chỉnh lương và thưởng Tết, khiến công nhân bất bình, làm ảnh hưởng đến quan hệ lao động.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, nhất là các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đã có sự điều chỉnh lương tối thiểu phù hợp với quy định của Chính phủ.

Phương án điều chỉnh lương được nhiều đơn vị công bố công khai, niêm yết ngay cổng ra vào để tất cả công nhân theo dõi, giám sát. Tuy chật vật nhưng doanh nghiệp rất đồng tình với chủ trương này. Doanh nghiệp cũng nhìn nhận một thực tế là thu nhập của công nhân cho dù có tăng cũng khó đáp ứng đủ đời sống.

luong_thuong_govd.jpg
Ông Cù Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouyuen nói: “Tôi thấy lương tối thiểu 3,4 triệu mới tạm giải quyết cơ bản cuộc sống của họ, chưa có dư dả”.

Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn nhưng năm nay các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì thưởng Tết cho người lao động với mức bình quân một tháng lương

Mới đây, báo cáo của 900 doanh nghiệp với hơn 310 ngàn lao động cho thấy, mức thưởng Tết Nguyên đán của các doanh nghiệp ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp cao nhất là 400 triệu đồng và thấp nhất là 3,1 triệu đồng.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết: “Chúng tôi đảm bảo cho người lao động có 1 tháng lương 13 và thưởng thêm 1 tháng lương nữa. Đến Tết Âm lịch, chúng tôi thưởng theo thành quả lao động, dự kiến cũng được khoảng 2 tháng lương nữa. Điều này giúp cho người lao động của Vissan rất yên tâm”. 

Còn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 457 triệu đồng/người, thấp nhất gần 2,9 triệu đồng/người.

Chị Nguyễn Thị Yến, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Nissei Việt Nam, khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức vui mừng vì năm nay tiền thưởng Tết tăng nhờ tính thêm năng suất và bình bầu thi đua: “Ở Công ty em, công nhân làm việc dưới 3 năm được thưởng 1 tháng lương, còn làm lâu như em sẽ nhân với 1,6, tổng cộng được 6 triệu. Công nhân về quê ăn Tết nếu ở các tỉnh xa sẽ được cho thêm 1 đến 2 ngày phép”.

Bên cạnh niềm vui vẫn còn đó những nỗi lo khi có đến 139 doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thưởng Tết cho người lao động. Nguyên nhân do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ… làm ảnh hưởng đến kế hoạch thưởng Tết. 

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội thành phố cho biết, Sở đang phối hợp các ngành hỗ trợ cho 560 công nhân ở 10 doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, để lại số tiền nợ lương hơn 4,3 tỷ đồng: “Sở đã chỉ đạo Phòng lao động phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận-huyện rà soát kỹ số doanh nghiệp có chủ bỏ trốn…”.

Hiện nay, các công đoàn cơ sở đang tích cực phối hợp với chủ doanh nghiệp tiếp tục công khai lương, thưởng Tết để người lao động an tâm làm việc, hạn chế xảy ra tranh chấp trong những ngày cuối năm. Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh nói: “Việc chăm lo tết chúng tôi sẽ dựa vào kế hoạch chung và tùy theo điều kiện thực hiện. Trong đó những đơn vị có đông công nhân lao động cần chú ý vấn đề lương thưởng, thu hẹp sản xuất, doanh nghiệp gặp khó khăn không thưởng, nỗ lực duy trì quan hệ lao động ổn định, tránh để xảy ra biến động trước Tết”.

Đa số công nhân lao động, nhất là ở các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đều từ các tỉnh, thành phố khác đến làm việc. Đảm bảo lương, thưởng Tết không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho người lao động của doanh nghiệp. Đó cũng là cách thu hút và giữ chân người lao động một cách hiệu quả, thiết thực nhất./.