Hiện nay, áo phao cứu sinh trở thành mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất. Chị Nguyễn Minh Phương sống tại Hà Nội cho biết: “Tôi có một chút tấm lòng ủng hộ đồng bào, tôi nghĩ áo phao thì rất thiết thực. Khi đi tìm, đi mua thì đợt này rất khó tìm, lượng hàng khan hiếm. Tìm được thì thấy giá cũng cao, chắc là chênh nhau so với bình thường khá nhiều”.
Tại các cửa hàng bán đồ bảo hộ, đồ thể thao trên phố Yết Kiêu, Trần Bình Trọng, Trịnh Hoài Đức, Lê Trực… các loại áo phao cứu sinh đang “cháy hàng”, nhất là loại áo phao dành cho người lớn. Một số chủ cửa hàng cho biết, hiện nay, cửa hàng chỉ còn số lượng rất ít áo dành cho trẻ em.
“Bây giờ những loại áo phao dưới 100.000 là hết sạch, không nhập về được. Giờ còn một ít áo số 2, áo trẻ con, áo to không có đâu. Giờ trong lúc khó khăn này mà có nơi vẫn đẩy giá lên” - chủ cửa hàng nói.
Trước đây, áo phao cứu sinh được bày bán khá nhiều, nhưng thời điểm này, hầu hết các điểm bán đều thông báo đã hết hàng. Theo một chủ cửa hàng, việc khan hiếm áo phao là do các cơ sở sản xuất không kịp sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Lũ lụt miền Trung nên người ta đã thu gom hết rồi. Làm ra bao nhiêu thì người ta lấy bấy nhiêu. Còn khan hàng chắc chắn là phải tăng giá rồi” - người bán hàng cho biết.
Trước thông tin găm hàng, đẩy giá áo phao, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương khẳng định luôn theo dõi sát nguồn cung cầu đối với mặt hàng này, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thiên tai để đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Tổng Cục Quản lý thị trường sẽ xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng sự khan hiếm từ thị trường để trục lợi bất chính.
“Tổng cục QLTT cũng đã yêu cầu các Cục QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai, tăng giá thu lời bất chính đối với các loại mặt hàng bảo hộ, cứu hộ như áo phao, xuồng cao su… để các lực lượng cứu nạn, cứu hộ và người dân có đủ phương tiện, góp phần giảm thiểu thiệt hại của thiên tai” - ông Trần Hữu Linh nói./.