Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cũng như liên kết lỏng lẻo khiến không chỉ nông dân phải bỏ su hào, củ cải những tháng đầu năm nay mà doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu…
Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chia sẻ, để phát triển vùng nguyên liệu hiện nay doanh nghiệp phải đi thuê ở nhiều tỉnh, thành phố khiến việc sản xuất gặp không ít khó khăn.
“Rủi ro chúng tôi có thể gặp là đôi khi bà con phá bỏ hợp đồng, bán ra ngoài do thấy lợi nhuận trước mắt, giá bên ngoài cao hơn”, ông Phạm Ngọc Thành chia sẻ.
Còn nhiều rào cản trong liên kết sản xuất nông sản an toàn. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo thống kê, đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập được 24 cơ sở sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, xây dựng hàng trăm đầu mối ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. Tuy nhiên, chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn chế.
Ông Nguyễn Hữu Trượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh phân tích, do tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn nên khó hình thành liên kết bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp. Mặc dù, địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp nhưng lĩnh vực bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản còn rất ít doanh nghiệp tham gia.
“Chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Nhất là trong lĩnh vực bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Cách thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn quy mô nhỏ. Trong khi đó, sự liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã, thương lái còn lỏng lẻo chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau”, ông Nguyễn Hữu Trượng nhận định.
Cả nước hiện có 746 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó, 382 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi.
Khắc phục những hạn chế và bất cập cũng như thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang thí điểm tổ chức lại các chuỗi liên kết theo hướng thúc đẩy vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước. Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, cùng với doanh nghiệp, Cục đang thí điểm xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong một số lĩnh vực như: mía đường, lúa gạo và các sản phẩm nông sản an toàn.
“Cục Kinh tế hợp tác, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thí điểm một số liên kết lấy doanh nghiệp là “hạt nhân” trong chuỗi liên kết. Bởi doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ, có kế hoạch sản xuất. Từ những mô hình liên kết thí điểm sẽ đánh giá và tổng kết lại vào cuối năm 2018. Qua đó, sẽ đưa ra những mối liên kết mẫu mà ở đây khác so với những liên kết trước đó là có sự vào cuộc của quản lý Nhà nước và chỉ đạo triển khai theo chuỗi”, ông Ma Quang Trung cho biết thêm.
Liên kết là xu hướng tất yếu đối với sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc tổ chức liên kết theo cách làm mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập, hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp để các nhân tố trong chuỗi xích lại gần nhau hơn./.
Chuỗi cung ứng nông sản an toàn: Nhiều sản phẩm còn thiếu chứng nhận
Nông sản an toàn còn yếu ở khâu kết nối cung - cầu
Cả nước có hơn 4.000 chuỗi cung ứng nông sản an toàn