Nhằm nhân rộng Dự án Mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM, sáng nay (28/3), Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố tiến hành khảo sát công tác thực hiện mô hình này tại chợ Phú Lâm, Quận 6.

Chợ Phú Lâm được UBND Quận 6 chọn làm chợ thí điểm an toàn thực phẩm có quy mô 410 sạp hàng, nhưng hiện chỉ có 242 sạp đang kinh doanh. UBND quận đã đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, đồng thời liên tục tổ chức các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho tiểu thương. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng tươi sống.

an_toan_thuc_pham_jkjj.jpg
Nhờ thí điểm chợ an toàn thực phẩm, khu vực kinh doanh thịt heo ở chợ Bến Thành đã sạch sẽ, tươm tất hơn. (Ảnh: NLD)

Đây là một số tiêu chí của mô hình chợ an toàn thực phẩm mà TPHCM thực hiện thí điểm từ năm 2018 tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành. Năm 2019, bắt đầu nhân rộng mô hình này tại 24 quận, huyện; mỗi địa phương chọn ra một chợ để thực hiện thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng ra tất cả các chợ trên địa bàn.

Tại buổi khảo sát, một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng thủy hải sản chợ Phú Lâm phản ánh tình trạng chợ ế ẩm kéo dài do bị chợ tự phát bủa vây xung quanh. Các tiểu thương tuân thủ đúng tất cả các quy định về an toàn thực phẩm, điều kiện kinh doanh, hóa đơn mua hàng, chứng minh nguồn gốc thì lại không bán được hàng, trong khi đó những người bên ngoài chợ không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM thừa nhận:Việc chợ tự phát ăn theo chợ truyền thống không những gây bất công cho tiểu thương trong chợ mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, bởi không thể kiểm soát được nguồn gốc của những hàng hóa này.

Do vậy, bà Lan yêu cầu Ban Quản lý chợ Phú Lâm phối hợp với địa phương mạnh tay xử lý chợ tự phát. Đặc biệt, kêu gọi người mua thực phẩm đảm bảo an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình./.