Ngân hàng thanh toán quốc tế hôm 27/6 lần đầu tiên cảnh báo nguy cơ lạm phát đình trệ, trong bối cảnh hàng loạt những cơn gió ngược đang cản trở đà phục hồi mong manh hậu đại dịch của nền kinh tế thế giới. Cú sốc kép của dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến tỷ lệ lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia, trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế đang xấu đi nhanh chóng. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã buộc phải có động thái can thiệp nhằm kiềm chế lạm phát, cũng như tránh cho nền kinh tế rơi vào thời kỳ khủng hoảng của những năm 1970-1980.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất trong những tháng gần đây để cố gắng kiềm chế lạm phát. Theo thống kê của hãng tin Nikkei (Nhật Bản), kể từ đầu năm tới nay, tổng số lần tăng lãi suất của các ngân hàng Trung ương là 80 - một con số cao kỷ lục.
Đáng chú ý, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây công bố đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994, trong khi Ngân hàng trung ương Canada cũng đang xem xét một đợt tăng lãi suất lớn 0,75% vào tháng 7, gấp 3 lần quy mô của một đợt tăng lãi suất thông thường. Còn tại các nền kinh tế mới nổi, tháng 5 vừa qua, Malaysia đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm và mới đây nhất, Ngân hàng Trung ương Philippines cũng có động thái tương tự trong nỗ lực kiềm chế lạm phát gia tăng.
Được coi là hiện tượng nổi bật của kinh tế thế giới trong những năm 1970, sự kết hợp “độc hại” giữa tăng trưởng èo uột và giá cả leo thang một lần nữa gây lo ngại các ngân hàng Trung ương toàn cầu. Tuy nhiên nếu các ngân hàng Trung ương hành động quá mạnh mẽ, lãi suất quá cao sẽ ảnh hưởng đến sức mua và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Nhằm trấn an các thị trường toàn cầu, Chủ tịch FED Jerome Powell tự tin, nền kinh tế Mỹ đủ khả năng “hạ cánh mềm” khi vừa chế ngự được lạm phát nhanh chóng mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
“Chúng tôi hiểu sự khó khăn do lạm phát cao đang gây ra. FED cam kết mạnh mẽ để đưa lạm phát trở lại mức tiêu chuẩn và đang khẩn trương làm như vậy. FED có những công cụ cần thiết để khôi phục sự ổn định giá cả cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ. Điều cần thiết là chúng ta phải hạ lạm phát nếu muốn duy trì các điều kiện của một thị trường lao động mạnh mẽ, có lợi cho tất cả mọi người”, Chủ tịch Jerome Powell nói.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Robert Pollin tại Đại học Massachusetts (Mỹ), kiềm chế lạm phát trong bối cảnh địa chính trị hiện nay không phải là điều dễ dàng. Cú sốc giá hàng hóa gần đây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine đã làm gia tăng thêm áp lực lạm phát vốn đã tăng lên trong nhiều năm qua. Điều này tương tự như cú sốc giá dầu trong những năm 1970 đã đẩy Mỹ, Canada và các quốc gia khác vào thời kỳ lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng thấp, hay còn gọi là lạm phát đình trệ.
“Những gì chúng ta gặp phải bây giờ là sự kết hợp của việc tăng lương khiến giá cả tăng lên, bên cạnh các vấn đề chuỗi cung ứng do Covid-19 và các vấn đề liên quan đến dầu mỏ. Cục Dữ trữ liên bang cũng vậy sẽ không thể giải quyết tất cả những điều này”, Giáo sư Robert Pollin cho biết.
Trong báo cáo công bố hôm 27/6, Ngân hàng thanh toán quốc tế đã gọi sự kết hợp hiện nay của lạm phát tăng vọt và lỗ hổng tài chính gia tăng là “chưa từng có trong lịch sử”, đồng thời cảnh báo, tình hình có thể còn nguy hiểm hơn so với thời kỳ lạm phát đình trệ trước đây do số nợ, đặc biệt là nợ thị trường nhà ở đã tích tụ trong hơn 1 thập kỷ với lãi suất cực thấp. Ngân hàng Thế giới đầu tháng này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống còn 2,9% so với dự báo 4,1% hồi đầu năm, và cho rằng “nguy cơ lạm phát đình trệ hiện nay là rất lớn”./.