Tỉnh Yên Bái có trên 433.000 ha rừng; trong đó, rừng sản xuất chiếm hơn một nửa. Hàng năm, hoạt động khai thác gỗ rừng trồng đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động địa phương. Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay, nhiều lao động không thể đi làm ăn xa, hoặc bị mất việc làm từ các địa phương có dịch, thì việc phát triển cây lâm nghiệp gắn với chế biến gỗ rừng trồng càng trở thành “cứu cánh” cho người lao động nơi đây.
Anh Nông Văn Trọng ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình (Yên Bái) từng đi làm thuê ở nhiều tỉnh, thành cả trong Nam ngoài Bắc, nhưng đồng lương ít ỏi của công nhân sau khi trừ chi phí ăn uống, thuê trọ cũng chẳng còn là bao. Đặc biệt, khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, công việc ít đi, thu nhập càng giảm. Vì vậy, anh quyết định về quê, rồi cả 2 vợ chồng cùng xin vào làm công nhân tại Công ty Sơn Hà Hương – đơn vị chế biến gỗ rừng trồng ở cách nhà không xa.
“Trước đây tôi đi làm xa, giờ về làm tại địa phương thấy tâm trạng thoải mái hơn nhiều. Làm việc gần nhà vừa xem được con cái học hành, tiền mỗi tháng cũng dư ra được ít và còn có thời gian chăm ruộng đồng, trồng cây. Nếu chịu khó làm thêm giờ, tăng ca, mỗi tháng hai vợ chồng được nhận khoảng 14 triệu đồng tiền công. Khoản thu nhập này không hề nhỏ với một gia đình nông thôn và nó càng ý nghĩa hơn khi được ở gần nhà, gần người thân”, anh Trọng chia sẻ.
Ông Lê Trí Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ái, huyện Yên Bình cho biết, trước đây người dân trong xã đi tứ xứ làm thuê, đặc biệt là ở thời vụ nông nhàn. Tuy nhiên, từ khi địa phương có 6 đơn vị, hộ gia đình mở nhà máy sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng, hàng nghìn lao động tại đây và các xã lân cận đã có việc làm và thu nhập. Do đó, dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng, nhưng bà con trong xã vẫn có thu nhập khá ổn định. Dự ước trong năm nay, thu nhập bình quân đầu người của trong xã đạt 37 triệu đồng/năm.
“Gỗ rừng trồng tại địa phương từ khi trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến… đều tận dụng được lao động địa phương. Các cơ sở chế biến trên địa bàn đang đóng góp ngân sách cho nhà nước và đáng kể cho xã. Địa phương tiếp tục vận động bà con phát triển trồng rừng và chọn giống năng suất tốt, chu kỳ ngắn để nâng cao thu nhập”, ông Lê Trí Hùng cho biết.
Huyện Yên Bình hiện có hơn 42.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó có trên 33.000 ha đất trồng rừng sản xuất, với các loại cây chủ lực như keo, bồ đề, bạch đàn... Bình quân mỗi năm cho khai thác trên 200.000 mét khối gỗ. Toàn huyện hiện có trên 150 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào mở công ty, xưởng sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng như ván dán, ván ép, viên nén năng lượng... phục vụ xuất khẩu và cung cấp cho thị trường trong nước.
Theo thống kê, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đã tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 5.000 lao động địa phương, với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, chưa kể hàng vạn lao động phục vụ cho vùng nguyên liệu. Bên cạnh tạo việc làm, hoạt động sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng còn đóng góp ngân sách bình quân khoảng trên 28 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết, để nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận dụng các chính sách của tỉnh, của huyện để hỗ trợ phát triển rừng trồng và chế biến gỗ rừng trồng; chú trọng phát triển rừng đáp ứng các tiêu chuẩn rừng FSC - rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan.
“Huyện đã triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển rừng nguyên liệu tỉnh. Đồng thời xây dựng kế hoạch cấp chứng chỉ rừng FSC, phấn đấu đến năm 2025 có trên 20.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ. Song song với đó, huyện triển khai trồng rừng gỗ lớn trong diện tích đã được cấp chứng chỉ FSC. Để thực hiện tốt mục tiêu trên, huyện đã triển khai rà soát, hướng dẫn thực hiện và lập hồ sơ để mời các tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ. Việc cấp chứng chỉ rừng FSC sẽ tăng thêm hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng và các doanh nghiệp”, ông Hưng khẳng định.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều địa phương trong cả nước. Yên Bái may mắn nằm trong “vùng xanh” của bản đồ dịch bệnh Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì. Vì vậy, hoạt động sản xuất gỗ rừng trồng của các hợp tác xã, cơ sở chế biến, doanh nghiệp đang hỗ trợ tốt cho lao động địa phương giữa đại dịch; là tiền đề để Yên Bái thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả trong năm 2021./.