Những năm gần đây, hàng ngàn hộ nuôi tôm ở ĐBSCL điêu đứng vì tôm chết không rõ nguyên nhân, hàng ngàn tỷ đồng tan theo bọt nước, nay đến lượt con nghêu. Có ý kiến cho rằng nghêu chết do nắng nóng, ý kiến khác lại cho là do bị nhiễm khuẩn, nước biển bị nhiễm bẩn,… trong khi nhà khoa học dù có nhiều cố gắng những vẫn “bó tay”.

Tại tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm này đã có hơn 1.150 ha bãi nghêu bị thiệt hại, với mức độ trên dưới 70%. Cá biệt có bãi, nông dân bị thất thu hoàn toàn. Ông Phạm Thành Tấn, ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông – người có hơn chục năm gắn bó với con nghêu cho là: “nghêu chết không phải do nguồn nước mặn. Có thể là do tảo vào làm nghêu chết”.

Còn tại Bến Tre, tình trạng nghêu chết đang diễn biến khá phức tạp và gây thiệt hại lớn cho người dân. Nghêu chết nhiều nhất là tại huyện Bình Đại và Ba Tri; chỉ tính riêng 2 Hợp tác xã Đồng Tâm và An Thủy của hai địa phương này đã có hơn 300 tấn nghêu bị thiệt hại.

Trước tình hình ghêu chết hàng loạt, Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh này đã lấy các mẫu nước, bùn cát và nghêu tại các bãi có nghêu bị chết gửi đến Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 và Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải để phân tích làm rõ nguyên nhân. Trong khi UBND tỉnh có văn bản đề nghị Trương ương hỗ trợ hộ có nghêu chết trên 12 tỉ đồng, theo tinh thần QĐ 49 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, tại Hợp tác xã Phương Nam, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, ngay từ đầu vụ nghêu năm ngoái các xã viên đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng nuôi nghêu, nhưng đã gần hai năm trôi qua mà nghêu vẫn không đạt kích cỡ, và khoảng một tháng nay lại xuất hiện tình trạng nghêu chết. Hiện chỉ còn khoảng 5-10% diện tích.

Ông Lâm Văn Phước, Chủ nhiệm Hợp tác xã Phương Nam băn khoăn: “Con nghêu giữ gần 2 năm mà vẫn không đạt kích cỡ, không bán được. Cứ neo hoài vừa tốn chi phí vừa tốn công, cuối cùng lại bị chết mà không rõ vì sao. Ước tính có 90 – 95% bị chết”.

Trà Vinh có hơn 800 ha diện tích nuôi nghêu, với hơn 2.500 hộ tham gia. Hầu hết các bãi nghêu hiện nay đang đối mặt với tình trạng nghêu bị chết hàng loạt, gây thiệt hại chục tỷ đồng cho người nuôi. Trong đó, nặng nhất là bãi nghêu Phương Nam, xã Đông Hải. Trước tình nghêu chết hàng loạt và chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến người dân lẫn chính quyền hết sức lo lắng.

Ông Đào Văn Chính, Chủ tịch xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đề nghị: “Khí hậu nắng nóng nghêu chết rất nhiều. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương cũng yêu cầu các ngành chức năng, cơ quan hữu quan có chính sách hỗ trợ cho người nuôi nghêu bị thiệt hại, để họ có nguồn vốn đầu tư tiếp. Còn các nhà khoa học cần tìm ra nguyên nhân, phổ biến cho người dân để làm sao nông dân có thể bám trụ được nghề nuôi nghêu”.

Con nghêu từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều người dân ĐBSCL, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Nhưng mấy năm trở lại đây, tình trạng nghêu nuôi bị chết hàng loạt cứ tái đi tái lại và ngày một trầm trọng hơn. Trước tình hình này, các ngành, các cấp có liên quan cần sớm vào cuộc, xác định chính xác nguyên nhân nghêu nuôi bị chết; đồng thời, có chính sách hỗ trợ đối với các hộ nuôi nghêu bị thiệt hại./.