Nhóm G7 (bao gồm Pháp, Đức, Italy, Anh, Mỹ và Nhật Bản) cho biết sẽ phản đối các dự án mới của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Nga nhằm tăng cường lệnh trừng phạt lên Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Động thái này được các Bộ trưởng Tài chính G7 đưa ra trong một cuộc họp kín tuần trước. Quyết định này sẽ đe dọa một số dự án trị giá ít nhất 1,5 tỷ USD của WB dự tính thực hiện tại Nga.
Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp không ít thách thức từ sự trừng phạt của phương Tây (Ảnh: Bloomberg)
Sau các vòng trừng phạt nhắm vào lĩnh vực ngân hàng, năng lượng và quốc phòng của Nga, hành động này của phương Tây sẽ càng làm tăng sức ép lên nền kinh tế của Nga và các hành động của nước này tại Ukraine.
WB sẽ gặp khó khăn trong việc nhận được chấp thuận các dự án này do nhóm G7 chiếm tới hơn 40% quyền biểu quyết tại đây, Scott Morris, cựu nhân viên Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Ngân hàng Quốc tế chuyên trách Tái thiết và Phát triển thuộc WB hiện có 9 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị tại Nga. Các dự án này trị giá 1,34 tỷ USD, tập trung vào giáo dục và năng lượng. Ngân hàng này cũng đang tiến hành 10 dự án khác trị giá 668 triệu USD, song các dự án này mới được giải ngân một nửa.
Bên cạnh đó, Công ty Tài chính Quốc tế của WB hiện có 4 dự án trị giá khoảng 154 triệu USD tại Nga; trong đó có một khoản cho vay 60 triệu USD với Societe Generale của Nga để hỗ trợ phát triển dự án ô tô thân thiện với môi trường.
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu tuần trước cũng cam kết sẽ dừng các dự án tại Nga, sau khi phần lớn cổ đông tỏ ý phản đối.
WB đã bị đẩy vào cuộc chiến trừng phạt kinh tế Nga của phương Tây. Trước đó, ngày 29/5, cơ quan này thông qua một phần gói tín dụng trị giá 335 triệu USD nhằm giúp hãng bán lẻ Groupe Auchan SA của Pháp mở rộng hoạt động tại Nga, Việt Nam và một số thị trường mới nổi khác. Canada đã bỏ phiếu chống, trong khi Mỹ và nhiều nước EU bỏ phiếu trắng.
Chủ tịch WB - Jim Yong Kim đang cố giữ cơ quan này tránh xa khỏi cuộc chiến, khi tuyên bố họ có quan hệ tốt với cả Ukraine và Nga. "Chúng tôi vẫn đang tập trung hỗ trợ và tư vấn cho cả hai nước trong vấn đề đói nghèo. Việc quan trọng hiện nay là thế giới phải có một tổ chức đứng ngoài chính trị và chỉ tập trung vào kinh tế thôi", ông cho biết./.