Sáng nay (27/5), tại tỉnh Lào Cai diễn ra Hội nghị xúc tiến xuất khẩu vải thiều tươi Việt Nam năm 2016. Hội nghị có sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp xuất nhập khẩu đến từ các tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Long An của Việt Nam và các tỉnh phía Nam của Trung Quốc.

vai_thieu_2_srgk.jpg
Dự kiến tổng sản lượng vải thiều năm 2016 vào khoảng 200.000 tấn. (Ảnh: Internet)
Theo báo cáo tại Hội nghị, vải thiều ở Bắc Giang, Hải Dương của Việt Nam có đặc điểm thơm, ngon, cùi dày, ngày càng được ưa chuộng ở trong và ngoài nước. Hàng năm, vải thiều chủ yếu được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Mỹ, các nước châu Âu và Đông Nam Á, trong đó lớn nhất là thị trường Trung Quốc.

Những năm gần đây, vải thiều tại các địa phương trên đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; ngoài ra một diện tích lớn vải thiều được sản xuất theo quy trình VietGap và GlobalGap, đảm bảo chất lượng.

Năm 2016, dự kiến thời gian thu hoạch vải thiều của Việt Nam muộn hơn so với các năm trước. Theo đó, vụ sớm sẽ khoảng từ ngày 5 - 20/6 và vụ chính từ ngày 20/6 - 25/7; tổng sản lượng tại các địa phương trồng vải thiều trọng điểm trong nước ước khoảng 200.000 tấn.

Thông qua Hội nghị, doanh nghiệp hai nước có điều kiện giao lưu, tìm kiếm đối tác; các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn chính quyền tỉnh Lào Cai và huyện Hà Khẩu (Vân Nam – Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên trong quá trình thông thương.

Bà Lương Thị Cúc, đại diện Hợp tác xã thu mua và chế biến nông sản xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết, Hội nghị nhằm xúc tiến xuất khẩu vải thiều là chính nhưng bên cạnh đó Hợp tác xã cũng muốn đẩy mạnh một số mặt hàng nông nghiệp của tỉnh Hải Dương như ổi, bột sắn dây là những sản phẩm đã có thương hiệu và được xuất khẩu đi nhiều nơi.

“Tại hội nghị này, Hợp tác xã muốn đem sản phẩm của mình đến giới thiệu với các doanh nghiệp của nước bạn, hy vọng có cơ hội giao thương, xuất khẩu hàng nông sản, quảng bá sản phẩm của quê hương mình”, bà Cúc cho biết./.