Tránh ngộ nhận về quản lý thị trường vàng
Theo TS Nguyễn Minh Phong, năm 2013 là năm mà tổng quan trên thế giới đang có sự dịch chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng tiền tệ, tín dụng. Việt Nam cũng có sự chuyển dịch tương tự kể từ giữa năm 2012 với tinh thần Nghị quyết 13 và tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ trong đầu năm 2013. Với tình hình đó, chính sách tài chính, tiền tệ Việt Nam 2013 nên: Thận trọng nhất định, đặc biệt là thận trọng trong việc đưa ra phương tiện thanh toán, cho vay lĩnh vực không khuyến khích.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong (Ảnh: Giaoduc,net) |
Nên có sự thận trọng hơn trong vấn đề định lượng và nới lỏng xu hướng kích cầu và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn giá rẻ.
Một trong những vấn đề rất quan trọng nữa là cần phải quản lý thị trường ngoại hối thận trọng, tránh ngộ nhận về quản lý vàng miếng.
Nghị định 24 có 3 điểm cần lưu ý: Thứ nhất, không biến việc chống vàng hóa thành tiền tệ hóa vàng. Thứ hai, phải đảm bảo nguyên tắc thị trường trong kinh doanh và quản lý vàng, không phải độc quyền nhà nước đồng nghĩa với việc định giá và quản lý vàng không theo nguyên tắc thị trường, không có sự liên thông với nước ngoài. Thứ ba, chống lợi ích nhóm trong kinh doanh vàng. Đơn cử, nếu giá vàng chênh 5 triệu giữa giá trong nước và ngoài nước, với hàng triệu lượng vàng phải mua vào thì lợi ích đó sẽ đi đâu? Nói cách khác, phải lấy lợi ích nhóm đưa vào lợi ích nhà nước không phải đưa vào lợi cho nhóm kinh doanh vàng độc quyền.“Với mục tiêu quản lý thị trường vàng là chống vàng hóa, nhưng nếu chúng ta thực hiện việc quản lý vàng theo kiểu độc quyền như hiện nay mang tính chất áp đặt, đặc biệt là tạo ra sự chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng nước ngoài, giữa vàng cùng hàm lượng mang thương hiệu quốc gia với vàng không phải thương hiệu quốc gia sẽ vô hình biến vàng thành tiền. Khi đó, người ta sẽ dùng sự độc quyền thương hiệu để tạo ra lợi ích không hoàn toàn vì lợi ích quốc gia”- TS Phong nhấn mạnh.
Thận trọng khi mua vàng dự trữ
Về chủ trương NHNN sẽ thu mua vàng để tăng dự trữ quốc gia, TS Phong cũng cho rằng phải thận trọng. Nếu mua vàng cho dự trữ quốc gia thì nên mua vàng từ nước ngoài, không mua vét vàng trong nước trong bối cảnh đang có sự chênh giá rất lớn và khan hiếm nguồn cung. Hơn nữa, việc áp đặt trạng thái tất toán vàng của các ngân hàng thương mại (NHTM) theo tình thần Thông tư 38 của NHNN cũng cần phải có lộ trình, tránh trường hợp đẩy các doanh nghiệp vào rủi ro chính sách.
TS Phong phân tích: Các ngân hàng thương mại đang gặp rủi ro chính sách về quản lý vàng rất lớn. Bởi vì, giả định đặt thị trường vàng trong nước và nước ngoài liên thông mà giá trong nước và nước ngoài chỉ lệch khoảng 400.000 đồng/lượng như lời hứa của Thống đốc khi nhận chức. Cạnh đó, không có tư tưởng về chuyện cấm huy động vàng, các NHTM lao vào huy động mà gặp tình huống đảo ngược chính sách theo hướng tất toán vàng thật nhanh, đồng thời đóng cửa thị trường vàng và họ bị tình huống mua vét với giá vàng cao tạo ra. Như thế, NHTM sẽ chịu một khoản lỗ rất lớn liên quan đến chính sách.
Mặc dù việc mua vàng miếng để tăng dự trữ ngoại hối là thông lệ quốc tế. Trong cơ cấu dự trữ ngoại tệ có vàng, ngoại tệ và một số kim loại quý khác... để đa dạng hóa, tránh rủi ro cũng như phù hợp hơn với đặc điểm của từng thời kỳ thanh toán. Hơn nữa, đây cũng là điều được ghi trong Nghị định 24 của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo quan điểm TS Phong: Việc mua vàng miếng đưa vào dự trữ không nên biến nhà nước thành người mua tranh với các NHTM trong bối cảnh giá vàng trong nước và nước ngoài chênh lệch rất lớn. Điều này sẽ gây ra một áp lực về cầu và làm gia tăng hơn nữa chênh lệch giá vàng, gây thiệt hại cho người dân và NHTM. Cho nên, mua vàng miếng cho dự trữ nên mua từ nước ngoài với giá gốc khác như một động thái của nhà nước nhằm tăng dự trữ quốc gia chứ không phải cạnh tranh để gây ra những áp lực khác và rủi ro cho các NHTM.
NHNN không được mua vàng để kiếm lợi
Người dân Việt Nam có xu hướng tích trữ vàng làm tài sản cá nhân thì cũng giống xu thế của thế giới. Bởi vì trong bối cảnh đồng tiền thế giới thi nhau giảm giá thì vàng vẫn là một phương tiện dự trữ tốt. Trong bối cảnh này, việc NHNN tăng dự trữ ngoại hối bằng vàng và quản lý thị trường vàng miếng là nhằm mục tiêu chống đầu cơ vàng, chống hiện tượng vàng hóa, tăng an toàn cho dự trữ ngoại hối tránh thiệt hại. Ví dụ như nếu dự trữ bằng USD quá lớn khi Mỹ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm giá đồng USD thì chúng ta sẽ bị thiệt hại.
Cho nên, Nghị định 24 chỉ là một chính sách mang tính chất đảm bảo an toàn, vì lợi ích chung vĩ mô. Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta có nguồn vàng trong dân rất lớn, chính sách trong tương lai nên hướng tới việc huy động nguồn vàng này sao cho nó không phải là khối vàng chết trong dân và trở thành nguồn vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo cung ứng đủ vàng khi dân có nhu cầu.
Đồng thời, việc phát hành trái phiếu vàng, TS Phong phân tích: Hoạt động này gắn liền với phương thức tổ chức kỹ thuật về mặt liên thông vàng. Về mặt nguyên tắc, chúng ta có thể huy động hoặc cho vay vàng nhưng không phải bằng vật chất mà tất cả đều bằng những chứng chỉ vàng trên cơ sở lượng vàng đó đã nằm trong kho dự trữ ngoại hối và kho của các NHTM. Điều này giúp tuận tiện trong giao dịch, giảm hao hụt và đảm bảo an toàn trong giao dịch vàng, tránh dùng vàng làm phương tiện thanh toán.
Đặc biệt, TS Phong khẳng định: Theo Nghị định 24, NHNN không phải là người kinh doanh vàng miếng mà chỉ là người tham gia thị trường để kiến tạo, định hướng dẫn dắt thị trường với tư cách là người mua – bán cuối cùng. Nói cách khác, NHNN không phải là người trực tiếp mua – bán trên thị trường để tạo ra lợi nhuận mà chỉ điều tiết thị trường theo thông lệ quốc tế. Ví dụ, khi thị trường vàng trong nước đang có sự thiếu thốn thì nhà nước xuất dự trữ để điều hòa, khi thị trường bình ổn, giá có lợi cho việc dự trữ thì NHNN sẽ mua để dự trữ, không phải mua bán kinh doanh kiếm lợi như các NHTM khác, đây là điều cần phải phân biệt./.