Theo Bộ Tài chính, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Để hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020, trong đó giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

chung_khoan_hlti.jpg
Miễn, giảm giá 15 dịch vụ chứng khoán do ảnh hưởng của Covid-19. (Ảnh minh họa: KT)

Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ giảm giá từ 10% - 50% đối với 9 dịch vụ, cụ thể:

Giảm 10% đối với 3 dịch vụ gồm: dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở; dịch vụ giao dịch trên thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán;

Giảm từ 15% - 20% đối với 2 dịch vụ gồm: dịch vụ quản lý vị thế; dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Giảm từ 30% - 50% đối với 4 dịch vụ gồm: dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Đáng chú ý, cơ quan quản lý sẽ không thu (miễn hoàn toàn) đối với 6 dịch vụ bao gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết; dịch vụ đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD; dịch vụ đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.

Trên cơ sở mức giảm giá dịch vụ quy định tại Thông tư này, Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán thực hiện ngay việc giảm giá dịch vụ do đơn vị mình cung cấp tương ứng để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp với thực tế cung ứng dịch vụ, quy định của pháp luật về giá và pháp luật có liên quan.

Thời gian áp dụng mức giảm giá và miễn thu tiền sử dụng dịch vụ quy định tại Thông tư ít nhất trong vòng hơn 5 tháng (từ ngày 19/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020).

Trường hợp tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư này trong trường hợp cần thiết.

Không nên lo lắng quá đà

Theo Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng, việc giảm giá dịch vụ trong bối cảnh hiện nay hợp lý và cần thiết để hỗ trợ thị trường, góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn nhiều biến động, lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư tiếp tục vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết.

Trước đó, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 là khó tránh khỏi, ít nhất là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lãnh đạo UBCKNN khẳng định, Việt Nam là nước đã khống chế tốt dịch bệnh và với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt, thị trường chứng khoán sẽ sớm ổn định trở lại, việc thị trường giảm sâu chủ yếu là do tâm lý lo sợ chi phối.

“Tôi đề nghị người đứng đầu các tổ chức tài chính trung gian cần vững niềm tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp mà Chính phủ và các bộ, ngành đang thực hiện, vào sức bền của thị trường để góp sức trấn an mối lo lắng quá đà của nhà đầu tư. Trong kịch bản xấu nhất, nếu dịch Covid-19 đến quý II/2020 mới khống chế được thì theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng ở mức 6,09%”, ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh./.