Ngày 9/9, tại Tiền Giang, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Công nghệ thực phẩm và Phân bón khu vực Châu Á Thái Bình Dương tổ chức hội thảo “Mạng lưới thanh long- Thị trường và chuỗi giá trị”. Gần 100 đại biểu là các diễn giả, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất, doanh nghiệp đến từ 11 quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương tham dự hội thảo.

Cây thanh long hiện được trồng ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó tập trung nhiều ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, như: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan, Australia…

Riêng tại Việt Nam, diện tích và sản lượng cây thanh long đứng đầu khu vực Châu Á với gần 49.000 ha, cho sản lượng hơn 1 triệu tấn trái. Đặc biệt, trái thanh long Việt Nam xuất khẩu ra 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 80%. Năm ngoái, trái thanh long xuất khẩuđạt giá trị trên 1,1 tỷ USD, đạt trên 50% tổng giá trị xuất khẩu trái cây tươi của cả nước. Gần đây, loại trái cây này đang tiến vào thị trường “khó tính” như:  Hàn Quốc,  Australia, EU, Mỹ, Nhật Bản…

vov_thanh_long_tjxd.jpg
Cần khắc phục hạn chế để nâng cao sức cạnh tranh của trái thanh long.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, trái thanh long ở nước ta đang tồn tại một số vấn đề cần được nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học quan tâm, khắc phục để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đó là sâu bệnh gây hại, kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, còn tồn dư hóa chất trên trái thanh long tươi, chưa áp dụng tốt các tiêu chuẩn an toàn nông nghiệp tốt  GAP, công tác liên kết  bền vững theo chuỗi  giá trị còn hạn chế, công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn bất cập…

Trước thực trạng này, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng chiến lược hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng, các yêu cầu, quy định kiểm dịch thực vật, nâng cao chất lượng trái thanh long để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của các nước trong khu vực và thế giới; liên kết các đối tác nghiên cứu và phát triển cây thanh long giữa các nước; tăng cường quan hệ, liên kết nghiên cứu giữa các thành viên của mạng lưới  Thanh long khu vực Châu Á Thái Bình Dương  đối với cây thanh long./.