Theo điểm b Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu, mức thuế nhập khẩu là mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN).

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin phản ánh việc áp dụng mức thuế nhập khẩu xăng dầu theo các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với ASEAN, Hàn Quốc có khác nhau, đồng thời khác với mức thuế nhập khẩu xăng dầu ưu đãi (MFN). Việc này gây ảnh hưởng đến cách tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

xd1_usum.jpg
Liên bộ sẽ xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA. (Ảnh minh họa: KT)
Trước thông tin này, Bộ Công Thương cho biết đang tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể, xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA theo cam kết hội nhập quốc tế, trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước; các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, bắt đầu từ năm 2016, nhất là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực, mặt hàng xăng từ mức thuế suất 20% xuống 10% tạo nên sự chênh lệch lớn giữa thuế suất thuế nhập khẩu theo mức thông thường và thuế suất thuế nhập khẩu ưu  đãi theo mức ưu đãi đặc biệt của các Hiệp định FTA.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng thừa nhận, cam kết đa phương và song phương của Chính phủ về thuế xăng dầu có độ vênh. Mặt bằng chung thuế xăng dầu áp tính giá xăng dầu bán ra là 10% nhưng có trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu chỉ phải chịu thuế 0%. Do đó cần phải nghiên cứu lại phương pháp tính giá cho phù hợp với luật thuế theo cam kết mới.

Cũng theo ông Thi, trên thực tế có trường hợp doanh nghiệp nhập xăng dầu về không có chứng nhận xuất xứ, sau đó một thời gian lại trình ra được xuất xứ để hưởng thuế suất 0%. Đây chính là điều cần phải xem xét lại để xử lý thỏa đáng quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân tiêu thụ xăng dầu.

Theo đánh giá của Vụ chính sách thuế, việc doanh nghiệp nhập khẩu dầu diesel, dầu mazut… có thể hưởng mức thuế nhập khẩu 0-5% nhưng người tiêu dùng vẫn phải chịu giá đã đánh thuế 10% để mua các mặt hàng này, mức chênh lệch này có thế mang lại nguồn lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp xăng dầu./.