Sáng nay (18/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Cần xây dựng Bộ luật phòng, chống lãng phí
Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (đoàn Ninh Thuận), cho rằng: Lãng phí không kém gì tham nhũng. Trong khi đó, chế tài chưa quan tâm đúng mức.
Đồng tình với các ý kiến trước đó đề nghị đổi là Luật phòng chống lãng phí, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ còn cho rằng, nên nâng lên thành Bộ Luật. Bởi thực thế, lãng phí rất ghê gớm, có khi còn hơn cả tham nhũng. Tham nhũng còn có con người cụ thể, qui ra bao nhiêu tiền từ công tác thanh tra, điều tra và có truy tố rõ ràng. Còn lãng phí thì vô cùng, không định lượng được.
Nhiều năm qua, Đảng, Chính phủ đã có các nghị quyết, qui định thể hiện quyết tâm chính trị cao về chống lãng phí. Trên từng lĩnh vực đều có qui định cụ thể, ví dụ như việc sử dụng xăng, xe… nhiều tỉnh, thành cũng cụ thể hóa thành qui chế, qui định bắt buộc và nhiều vận động khác để làm gương của cán bộ công chức (ví dụ, Hà Nội ra qui định về việc cưới, việc tang tiết kiệm…). “Tuy nhiên, đối chiếu thực tế, lãng phí còn lớn, cụ thể như việc tổ chức lễ khởi công, động thổ, lễ kỷ niệm, lễ hội, festival…” – đại biểu Huỳnh Thế Kỳ nói.
Theo đại biểu Phạm Văn Hổ (đoàn Phú Yên), nguyên nhân tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được thời gian qua. Vấn đề này, có thể do công tác tổ chức, triển khai thực hiện Luật chưa quyết liệt; do việc điều hành còn nhiều bất cập. Trong báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ 5 nguyên nhân và phần lớn đều do công tác tổ chức như thiếu sự quan tâm trong xây dựng các giải pháp để triển khai thực hiện, công tác kiểm tra, thẩm tra thực hành chống lãng phí tại các cấp, ngành chưa thường xuyên… “Đề nghị phân tích rõ thực tế vấn đề này nếu không sửa đổi lần này lại là một sự lãng phí” – đại biểu Hổ nói.
Lần sửa đổi này, theo nhiều đại biểu, cần đưa vào xử lý hành vi lãng phí thời gian. Loại lãng phí này không qui ra tiền được nhưng thiệt hại thì vô cùng lớn. “Thực tế, nhiều bộ, ngành, hội, ban làm không hết việc, nhưng ngược lại có những ban, hội không viết nổi một báo cáo cuối ngày. Điều này liên quan đến cơ chế tổ chức, bộ máy hành chính” – đại biểu Thế Kỳ nói.
Chia sẻ nội dung này, đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) khẳng định: Nhiều trường hợp lãng phí thời gian nghiêm trọng hơn tiền bạc. Ví dụ trong đầu tư xây dựng, kéo dài thi công, phải điều chỉnh mức đầu tư… gây lãng phí nghiêm trọng kéo dài. Đây là hình thức phổ biến nhưng chưa được quan tâm.
Về các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thời gian qua được Chính phủ thừa nhận là vẫn còn lãng phí. Nhiều đại biểu Quốc hội ví đây là “nguồn vốn trời cho” các địa phương.
Trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên –Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Việc phát hành trái phiếu có một bất cập lớn là vốn do Chính phủ phải lo, nhưng tổng mức đầu tư công trình dự án lại do địa phương quyết định. Điều này cho thấy, sự phân quyền trong hệ thống tổ chức hành chính, phân giao bộ máy Nhà nước không đúng.
Sự phân quyền trong hệ thống hành chính Nhà nước không đúng dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải trong nhiều năm nay và rất khó khắc phục. Như báo cáo của Uỷ ban Văn hoá-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, nhiều dự án có tổng mức đầu tư tăng gấp 9 lần. Tuy nhiên, theo luật, nếu tổng mức đầu tư của dự án tăng trên 15% thì địa phương phải xem xét lại dự án đó. Thế nhưng, địa phương lại có thẩm quyền trong việc phê duyệt dự án nên rất khó quy trách nhiệm cho ai.
Truy cứu hình sự nếu lãng phí
Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, thời gian qua, lãng phí thời gian, tiền của đã được nhắc nhiều và vẫn diễn ra khá phổ biến. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Phạm Văn Hổ (Phú Yên) cho rằng, cần xác định cụ thể hơn, rõ hơn về mức độ như thế nào được coi là lãng phí, ở mức độ bao nhiêu thì xử lý trách nhiệm thế nào và cần qui định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tránh tình trạng qui trách nhiệm tập thể một cách chung chung, khó xử lý.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) thì cho rằng, trong dự thảo Luật sửa đổi, các hành vi vi phạm đều có cách xử lý giống nhau như giải trình, bồi thường thiệt hại, bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị có một chương riêng về xử lý vi phạm và có chế tài cụ thể.
“Để chống lãng phí hiệu quả, một trong các điều kiện qui định là hành vi lãng phí phải được định lượng cụ thể, lãng phí ít thì xử lý hành chính, còn lãng phí nghiêm trọng thì phải xem là chiếm đoạt tài sản công, vì mục đích tư lợi là tham nhũng và phải truy cứu trách nhiệm hình sự” – đại biểu Trần Văn Tấn nói.
Cũng theo lý giải của đại biểu, nếu chế tài chỉ theo hướng đặt ra, nhưng chưa chỉ ra được hành vi cụ thể, mức độ sai phạm, không làm rõ trách nhiệm thẩm quyền và xử lý, nhất là xử lý đối với tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí thì hiệu quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.
Để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải vốn, tài sản của Nhà nước, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Quốc hội chỉ nên phê duyệt tổng vốn trái phiếu Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Như vậy, Quốc hội sẽ giao cho Chính phủ quyền điều hành số tiền chỉ có vậy thì phải làm sao đầu tư các dự án có hiệu quả cao nhất. Chính phủ sẽ phân vốn hàng năm cho các địa phương để xây dựng các dự án, công trình. Địa phương phải chọn lọc dự án đầu tư và phải chịu trách nhiệm với số vốn đã được phân cấp để xây dựng dự án; đồng thời phải có báo cáo với Chính phủ tiến trình thực hiện như thế nào.
Thông qua kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 – 2012”, Quốc hội sẽ thấy rõ những bất cập trong sự phân quyền trong hệ thống hành chính Nhà nước để có hướng khắc phục và điều chỉnh. “Khi có sự điều chỉnh rồi thì chúng ta mới quy định được trách nhiệm giữa các Bộ, ngành và địa phương” – ông Kiên nói./.