Báo cáo trước Quốc hội về tình hình sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình, dự án thuộc Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Tính đến hết năm 2011, tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh đối với vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giao trực tiếp cho Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) là 111.675 tỷ đồng, tăng 44.448 tỷ so với tổng mức đầu tư ban đầu theo Quyết định 171.
Theo Bộ trưởng, việc tăng tổng mức đầu tư chủ yếu do thay đổi chính sách, giá nguyên vật liệu tăng, giải phóng mặt bằng (GPMB), xử lý kỹ thuật thông thường, thi công… Riêng tăng do GPMB 13.298 tỷ đồng. Công tác GPMB khó khăn, sự phối hợp giữa chủ đầu tư và địa phương chưa tốt. Đây là nguyên nhân chủ yếu chậm tiến độ dự án. Việc kéo dài thời gian thi công cũng làm tăng tổng mức đầu tư cần phải điều chỉnh theo đơn giá mới. Hoặc khi đã cùng địa phương có phương án đền bù GPMB nhưng nguồn vốn đến chậm hoặc không bố trí đủ nguồn vốn cũng dẫn đến chậm.
Một nguyên nhân nữa là do tăng kế hoạch điều chỉnh theo Nghị quyết 30 và bổ sung cho tiểu dự án, hạng mục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (gần 22.000 tỷ đồng). Để duy trì tăng trưởng kinh tế, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cuối năm 2008, Chính phủ có Nghị quyết 30 về những giải pháp cấp bách. Trong đó, cho phép điều chỉnh mức đầu tư đối với các dự án đầu tư từ TPCP có trong danh mục, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao. Do trước đây, nguồn TPCP được bố trí thấp so với nhu cầu thực tế (hơn 77.000 tỷ đồng), trừ các nguồn khác đã bố trí, nhu cầu vốn TPCP cần 68.266 tỷ đồng nhưng thực tế được giao 54.630 tỷ. Chính vì vậy, ngay từ ban đầu đã giảm phần việc lẽ ra phải làm từ ban đầu. “Chính vì vậy, khi Nghị quyết 30 ra đời, Bộ GTVT đã báo cáo và trình Chính phủ cho phép được thực hiện như ban đầu đã báo cáo. Đó cũng là nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư” – Bộ trưởng Thăng nói.
Theo Luật Giao thông đường bộ, đầu tư quốc lộ qua đô thị phải phù hợp qui hoạch địa phương, trong quá trình triển khai đã phải điều chỉnh bổ sung mở rộng qua khu đô thị. Vấn đề này Bộ đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý việc đầu tư đồng bộ theo qui chuẩn đường phố khi đi qua các khu dân cư của địa phương.
Nguyên nhân tiếp theo, Bộ trưởng Thăng cho biết: Tăng tổng mức đầu tư do thể chế, chính sách, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng và xử lý kỹ thuật thông thường, tăng khả năng khai thác, an toàn trật tự giao thông ( 9.838 tỷ đồng).
“Như vậy, so với qui định về tăng qui mô, thì Bộ GTVT đã thực hiện nghiêm túc các qui định Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là cần thiết đối với các dự án. Các dự án sau khi điều chỉnh đã phát huy hiệu quả cao và trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư thì Bộ GTVT đã tuân thủ theo đúng qui định pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản” – ông Thăng đánh giá.
Tuy nhiên, vị tư lệnh ngành Giao thông cũng thừa nhận: Bộ GTVT với tư cách là Bộ quản lý chuyên ngành nhận thấy là chưa làm tốt công tác tham mưu, qui hoạch, kế hoạch và các dự án liên quan trong việc sử dụng TPCP thuộc lĩnh vực phụ trách. Việc chỉ đạo phê duyệt, điều chỉnh và trình phê duyệt dự án không cân đối với nguồn TPCP, có những dự án công trình chưa thực hiện đúng qui trình trong quản lý TPCP, còn gây ra lãng phí. Công tác thanh tra, kiểm tra dự án chưa thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Công tác quản lý ngành, lĩnh vực… nên chưa phát hiện và xử lý và khắc phục những yếu kém vi phạm.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Thăng, cũng có nguyên nhân chất lượng chuẩn bị đầu tư chưa tốt, dẫn đến trong quá trình thực hiện phải bổ sung, điều chỉnh. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang khẩn trương triển khai thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tài chính ngân sách, đang rà soát lại toàn bộ các dự án làm tăng tổng mức đầu tư từ 2006 đến nay để phân tích rõ nguyên nhân, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để báo cáo Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết thêm: Riêng năm 2011, Bộ điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 1.366 tỷ đồng, trong đó riêng GPMB là 723 tỷ và riêng dự án QL 32 Diễn – Nhổn từ 592 tỷ, tăng cường cho mặt đường tuyến tránh Huế hơn 400 tỷ. Thay đổi cơ chế chính sách hơn 200 tỷ. Từ năm 2012 đến nay, Bộ GTVT chưa điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án nào./.