Ngày mai (18/6), Quốc hội tiến hành phiên thảo luận về Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi). Đây là dự Luật được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, cho rằng lãng phí chính là những "tổ mối”, làm suy yếu nền kinh tế của đất nước và cần phải có thuốc đặc trị. Điểm đáng chú ý trong lần sửa đổi này là Luật tập trung quy định việc tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lần này vẫn chưa quy định rõ về các hành vi gây lãng phí và chế tài xử phạt cụ thể với người đứng đầu khi để xảy ra lãng phí.
Sau 7 năm thực thi, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí hiện hành đã bộc lộ những hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung. Theo đó, dự thảo luật sửa đổi lần này quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đối với sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, dự thảo Luật chỉ quy định các trường hợp có tác động lớn đến nguồn lực xã hội như ma chay, cưới xin, lễ hội...
Với các nguồn lực khác, dự thảo quy định mang tính định hướng, khuyến khích và khuyến cáo, góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm trong nhân dân... Có thể nhận thấy việc quản lý, sử dụng tài sản công là lĩnh vực có khả năng xảy ra lãng phí cao nhất. Việc quản lý chi tiêu từ nguồn ngân sách nhà nước, sử dụng trái phiếu chính phủ, khai thác quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên… vẫn còn thiếu chặt chẽ. Do nhận thức kém và cũng vì cơ chế xử phạt chưa nghiêm nên không ít người vẫn còn suy nghĩ đơn giản, dễ dãi khi sử dụng ngân sách Nhà nước.
Về cung cách quản lý, điều hành, phân bổ và sử dụng nguồn vốn chưa hiệu quả dẫn đến thất thoát, lãng phí, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, đoàn Vĩnh Phúc lấy ví dụ: “Đơn cử, chúng ta đang sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và một số nguồn vốn khác, rất nhiều công trình dở dang, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chưa hiệu quả, không có nguồn vốn tiếp để đầu tư. Cách phân bổ vốn không tập trung, trong khi đất nước còn nghèo mà lại phân bổ vốn dàn trải. Muốn thực hành tiết kiệm là phải sử dụng hiệu quả cao nhất nguồn vốn đó chứ không phải phân chia nguồn vốn cho các tỉnh và kiểm soát việc thực hiện như thế nào”.
Có quá nhiều sự lãng phí đang diễn ra do thiếu sự tính toán cẩn trọng nếu không nói là thiếu trách nhiệm. Đầu tư xây bệnh viện, chợ, cầu cảng, sân bay… nhưng thi công chưa xong thì bỏ đấy vì nhiều lý do, hoặc xây xong nhưng sử dụng không hiệu quả gây lãng phí, trong khi vốn đầu tư quá lớn. Không chỉ nguồn vốn bị lãng phí do chính sách chưa đúng, hoạch định sai, đầu tư sai mà những quyết định thiếu tính toàn này còn gây lãng phí thời gian, công sức, lãng phí nguồn nhân lực do lao động không có công ăn việc làm.
Đại biểu Đỗ Văn Đương, đoàn thành phố Hồ Chí Minh rất bức xúc trước tình trạng lãng phí nguồn nhân lực tại các cơ quan Nhà nước hiện nay. Rất vô hình, nhưng “lãng phí thời gian” cần có biện pháp xử lý. Hiện đang có một số lượng không nhỏ công chức làm việc không hiệu quả theo kiểu “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Trong khi đó, người dân lại phải đóng thuế để trả lương cho những đối tượng này.
Băn khoăn về sự lãng phí này của đại biểu Đỗ Văn Đương là rất có cơ sở. Vì vậy, cần bổ sung cơ chế công khai, minh bạch trong thanh tra, giám sát tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực để nhân dân tham gia đánh giá chất lượng tiết kiệm, chống lãng phí của từng cơ quan Nhà nước.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Rinh, đoàn Hải Dương nói: “Đây là vấn đề bức xúc. Để giải quyết vấn đề này cần có văn bản luật pháp chặt chẽ, cần có biện pháp chống lãng phí và có quy định rõ ràng trong sử dụng chi tiêu trong các lĩnh vực, tiết kiệm thời gian là vấn đề rất lớn. Vấn đề này cần có sự vận động nhân dân cùng tham gia giám sát thì mới có chuyển biến tích cực được. Cả xã hội phải tiết kiệm thì đất nước mới phát triển được”.
Nếu nơi nào để xảy ra lãng phí thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Dự thảo Luật lần này quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó bổ sung trách nhiệm “người đứng đầu phải giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận và tùy theo mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể các hành vi xử phạt, mức độ nào thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự để tạo căn cứ thực thi luật và có tính răn đe cao.
Đại biểu Phạm Trường Dân, đoàn Quảng Nam cho rằng: “Trong Luật Thực hành tiết kiệm lần này, chế tài xử lý không rõ ràng. Có 3 ý xử lý hành vi gây lãng phí của công: Một là phải giải trình trước cơ quan chức năng, hai là nếu thiệt hại phải bồi thường theo quy định pháp luật, thứ 3 tùy theo mức độ xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính, xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Tôi nghĩ quy định này chung chung quá, không quy định rõ mức độ vi phạm như thế nào thì xử lý hình sự, nên quy định trong luật, tất nhiên khi luật được ban hành thì cũng cần quy định rõ hơn trong các văn bản dưới luật”.
Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương và kêu gọi toàn dân “tiết kiệm là quốc sách”. Về ý nghĩa kinh tế thì tiết kiệm chi phí cũng góp phần làm tăng trưởng kinh tế của đất nước. Để tiết kiệm, chống lãng phí mang lại hiệu quả thực sự, mỗi người phải tiết kiệm, chống lãng phí từ việc nhỏ nhất như tiết kiệm điện nơi công sở đến việc quyết định xây dựng những công trình lớn. Tất cả đều phải được tính toán, cân nhắc kỹ càng gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Để Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi) có tính khả thi cao khi đi vào cuộc sống, bên cạnh việc nêu cao nhận thức của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị thì cần quy định chế tài xử phạt nghiêm những hành vi gây lãng phí, nhất là đối với người đứng đầu, kiên quyết ngăn chặn việc chống lãng phí mang tính đối phó hoặc hình thức. Có như vậy, chúng ta mới chống được tình trạng lãng phí, “vốn được xem là những “tổ mối” ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước./.