Thời điểm này, những cánh đồng của làng hoa truyền thống Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội đã phủ đầy hoa. Sắc rực rỡ của hoa hồng, sắc kiêu sa của hoa ly, sắc vui tươi của hoa đồng tiền… khiến nơi đây mang tới cảm giác bình yên và đầy thơ mộng. Bao nhiêu sự ồn ào phố thị như được trút bỏ xuống từng thửa ruộng, luống hoa. Trên những vườn hoa chưa hé nụ, người nông dân làng nghề vẫn đang đang miệt mài chăm sóc, đó là những bông hoa sẽ nở vào đúng dịp tết cổ truyền để phục vụ mọi nhà.
Trái với không khí tất bật nơi cánh đồng, dẫn chúng tôi đi thăm chợ hoa Mê Linh, ông Nguyễn Viết Minh, Phó chủ tịch UBND xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội trầm giọng giới thiệu, những chậu hoa cảnh vẫn rực rỡ, nhưng người mua thì thưa vắng hơn so với mọi năm.
“Trước đây chợ hoa nhộn nhịp lắm nhưng giờ vắng hơn, chỉ còn hoa ly cắt cành và hoa chậu. Chúng tôi cũng động viên bà con một là chăm cây để thu hoạch đợt Tết. Hai là cũng khuyến cáo bà con thực hiện các biện pháp phòng chống dịch vì nếu không may để dịch xảy ra trên địa bàn thì bà con sẽ còn thiệt hại hơn rất nhiều” - ông Minh nói.
Cho tới thời điểm này, giá bán vẫn chưa có gì khởi sắc, lượng hàng tiêu thụ chậm hơn hẳn cho với mọi năm.
Tại mảnh vườn hơn 5.000 m2, cạnh tuyến đường quốc lộ 23B, những ngày này chị Nguyễn Thị Yến, thôn Hạ Lôi đang dùng kéo cắt tỉa cho những cây hoa hồng chậu, hoa hồng thế với hi vọng về một vụ hoa Tết được mùa được giá. Chị Yến chia sẻ, ở thời điểm này, giá hoa đang hạ hơn so với mọi năm do tình hình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, bà con cũng không bỏ hoa, đang tiếp tục chăm sóc cho cây sinh trưởng đẹp nhất để kịp phục vụ Tết.
“Vừa thiên tai, vừa dịch bệnh dân làng năm nay thiệt hại nhiều lắm. Phải chờ cả xã hội phục hồi thì mới phục hồi được. Giá bán giảm bằng 1 nửa năm ngoái mà số lượng cũng giảm. Đại dịch nên nhiều nhà cũng xác định nuôi cây để chờ nhưng cũng không bán được” - chị Yến nói.
“Còn người là còn của”, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, người trồng hoa xã Mê Linh đã có sự sáng tạo, chuyển hướng cơ cấu cây trồng để thích ứng với diễn biến khó lường của dịch bệnh. Nếu như trước đây trên những cánh đồng là bạt ngàn những giống hoa truyền thống như: đồng tiền, cúc, hoa ly, loa kèn, hồng Đà Lạt, các loại hoa để cắt cành, bán bông; Còn hiện tại, cánh đồng hoa đã được chăm sóc với công nghệ tưới tự động, có nhiều sắc màu, kiểu dáng cây sinh động.
Đây chính là kinh nghiệm của người dân làng nghề để thích ứng với dịch Covid-19. Ông Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch Hội nông dân xã Văn Khê, huyện Mê Linh cho biết, hiện bà con đã chuyển mạnh sang trồng hoa chậu, bon sai, cây hoa thế.
“Đặc biệt chú trọng hoa cảnh. Có những cây người ta cho thuê với giá từ 5 - 6 triệu đồng, còn bán thì với giá hơn chục triệu” - ông Thắng chia sẻ.
Là một người trồng hoa lâu năm tại làng nghề truyền thống Mê Linh, ông Phạm Văn Lý cho biết, trước đây ông cũng như nhiều hộ dân khác thường trồng hoa hồng để cắt cành, bán bông. Sau đó, ông chuyển một phần diện tích sang trồng cây hoa đào. Nhưng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ cuối năm 2021, ông đã chuyển phần lớn diện tích vườn sang trồng cây mộc hương. Như vậy, người nông dân sẽ không phụ thuộc nhiều vào thời điểm thu hoạch, cũng như thời gian chăm sóc. Trong trường hợp không may bị dịch bệnh xảy ra, người trồng không bị ảnh hưởng nhiều như trồng các loại hoa cắt bông.
“Tôi chuyển sang trồng hoa mộc để không bị phụ thuộc vào thời vụ. Bà con xung quanh đây giờ cũng vậy, họ cũng làm nhiều loại, nhiều nghề chứ không chỉ phụ thuộc vào một nghề như trước…” - ông Lý nói.
Trong khâu tiêu thụ, để thích ứng với dịch Covid-19, các nhà vườn tại huyện Mê Linh hầu như đã được “số hóa”, giao dịch được thực hiện trơn chu qua các mạng xã hội như facebook, zalo...
Chị Vũ Thị Loan Phương, nhà vườn Vũ Phương, xã Mê Linh cho biết: “Nhà vườn đã có các bạn hàng quen, chụp ảnh, báo giá cho họ và họ sẽ tự về bốc hàng”.
Việc khó đoán trước được tình hình tiêu thụ hoa tết là nỗi niềm trăn trở của nhiều hộ nông dân trồng hoa tại huyện Mê Linh, nhưng ngoài ruộng, những bông hoa đang e ấp ủ nụ, chờ ngày đơm bông. Với đôi bàn tay khéo léo, những người nông dân năng động, dám nghĩ dám làm vẫn tất bật phủ đầy gam màu rực rỡ trên cánh đồng, mang sắc xuân đến cho mọi nhà./.