Sáng nay (5/4), tại TP Đà Lạt, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy ngành công thương của Lâm Đồng phát triển.
Năm 2018, KT-XH của Lâm Đồng tiếp tục có bước phát triển khá, với mức tăng trưởng kinh tế đạt 8,59%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng sản phẩm công nghiệp đạt 8,23%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 14.466 tỷ đồng, tăng 9,18% so với cùng kỳ 2017; kim ngạch xuất khẩu đạt 661 triệu USD. Các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của Lâm Đồng Đồng, như chế biến nông sản, bauxite nhôm, năng lượng điện, đã có bước phát triển mạnh.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Công Thương với UBND tỉnh Lâm Đồng. |
Để tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển trong thời gian tới, tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị Bộ Công thương cần hỗ trợ tỉnh phát triển sản phẩm ươm tơ dệt lụa; triển khai hỗ trợ và bố trí vốn để giải quyết các khu vực thôn, xã ở vùng sâu đang khó khăn về điện; phát triển công nghiệp khai thác và chế biến alumin; quan tâm đề xuất Chính phủ xem xét đưa Khu công nghiệp – nông nghiệp Tân Phú ra khỏi danh mục quy hoạch các Khu công nghiệp quốc gia để đưa vào danh mục quy hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao quốc gia.
Thay mặt đoàn công tác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ghi nhận những ý kiến, kiến nghị này, đồng thời lưu ý tỉnh Lâm Đồng cần tập trung nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics và các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, ưu tiên và khai thác được thế mạnh sẵn có để tiếp tục thúc đẩy công nghiệp của địa phương phát triển.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Lâm Đồng cần phải tập trung ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp có tiềm năng, có thế mạnh và có điều kiện khai thác được những giá trị tiềm năng trong tương lai. Biến Lâm Đồng trở thành trung tâm năng lượng xanh của khu vực và các nước, của công nghiệp đóng gói, chế biến của các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và hữu cơ.
“Chúng ta phải làm sao để đa dạng hóa các nguồn lực của hoạt động xúc tiến thương mại, gắn với những mục tiêu cụ thể mang tính dài hạn. Trước mắt, tỉnh cần quan tâm hõi trợ phát triển công nghiệp dệt may tơ tằm để có được sản phẩm thương hiệu, có được giá trị gia tăng thật sự lớn của công nghiệp tại địa phương. Mặt khác, thúc đẩy phát triển logistics trong liên kết vùng, khu vực và quốc tế. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn của cả vận chuyển, đầu tư lĩnh vực chế biến và phân phối để phát triển”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ./.
Nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng còn chiếm tỷ trọng thấp