Liên quan đến chủ trương tăng cường công tác kiểm toán nhà nước giai đoạn tới, ông Cao Tấn Khổng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa cho biết, lĩnh vực khai thác khoáng sản và quản lý sử dụng đất đai là lĩnh vực “nóng”, được đặc biệt quan tâm, tới đây Kiểm toán Nhà nước sẽ đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực này.
Phải tăng cường chất lượng quản lý đất đai
Đánh giá thực tế về công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, ông Khổng cho rằng, “điều hành, quản lý nhà nước ở lĩnh vực này rất khó”. Theo ông Khổng, bất kỳ chủ trương nào, nó còn liên quan đến công tác thừa hành ở cấp dưới. Thực tế, còn có tình trạng một số cấp dưới thừa hành chưa nghiêm. Do đó, qua kết quả kiểm toán, KTNN vừa phân tích, vừa đánh giá, vừa phê phán, vừa kiến nghị và tư vấn chính sách để cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho Chính phủ kiện toàn, hoàn thiện cơ chế quản lý để tăng cường quản lý nhà nước một cách có chất lượng.
Lấy ví dụ một tình huống thực tế về sử dụng đất bãi cồn, bãi bồi, ông Khổng cho biết, về nguyên tắc thì đây là đất thuộc sở hữu của nhà nước. Nhưng nhiều người dân đã tự ý vào khai thác, trong đó có người khai thác từ xưa đến nay, có người “nhảy” vào lấn chiếm. Do vậy, ông Khổng cho rằng, quan trọng là phải có sự phân tích cho người dân hiểu. Để làm việc này, “hơn ai hết, chỉ chỉnh quyền địa phương, những người thực thi trách nhiệm trực tiếp tại đó mới hiểu biết sát thực tế để có thể xử lý vấn đề”.
Nhìn chung về bức tranh quản lý đất đai thời gian qua, ông Khổng cho biết, quan thực tế kiểm toán tại 20 địa phương cho thấy, công tác phê duyệt quy hoạch sử dụng đất còn chậm (như ở Bắc Ninh, Hoà Bình, Sơn La, Phú Thọ, Lâm Đồng, Vĩnh Long...); một số quận, huyện, xã chưa lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (TP HCM, Hải Phòng, Đắc Lăk); quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa phù hợp thực tế; sử dụng đất công ích, đất bãi bồi không hiệu quả; giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền…
Trước thực trạng này, về quan điểm của KTNN, ông Khổng khẳng định, “bằng mọi giá, sẽ kiến nghị với Chính phủ để có những giải pháp hữu hiệu hơn trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đến nơi đến chốn”.
Nhiều bất cập trong cấp phép khai thác khoáng sản
Là người trực tiếp làm công tác kiểm toán ở chuyên ngành 2 của Kiểm toán Nhà nước, ông Nguyễn Thanh Liêm, Kiểm toán trưởng, cho biết: Công tác quản lý nhà nước về thăm dò, khai thác khoáng sản là rất “nóng”, được xã hội rất quan tâm. Do đó, năm 2013, KTNN có chọn đây là một chuyên đề kiểm toán.
Trước đây, lĩnh vực này chủ yếu được kiểm toán vào sử dụng ngân sách nhà nước, còn đi sâu vào kiểm toán về quản lý nhà nước là vấn đề mới. Liên quan đến khoáng sản, có rất nhiều việc, tuy nhiên, hiện kiểm toán mới đang tập trung vào kiểm toán ở công tác cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản. Đi liền với đó, mói chỉ kiểm toán ở phía Bộ Tài nguyên Môi trường.
Hiện, công tác kiểm toán hiện gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn đó, theo ông Liêm, dù có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, nhưng thực thi nó còn nhiều hạn chế.
Trong đó, chẳng hạn, công tác kiểm tra và xử lý các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn chưa chặt chẽ. Qua kiểm tra, có 26 giấy phép đã hết hạn, nhưng chưa được cấp lại, cũng chưa bị xử lý, chưa đóng cửa mỏ khai thác. Hơn nữa, có 47 giấy phép thuộc diện được cấp lại, vì đã cấp trước khi có Luật Khoáng sản năm 1996, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp lại.
Một điểm đặc biệt quan trọng khác, ông Liêm cho biết, theo quy định, các doanh nghiệp muốn có giấy phép khai thác khoáng sản phải nộp trả nhà nước chi phí thăm dò khoáng sản trước khi được cấp giấy phép. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn trong việc tính chi phí thăm dò, nên có những giấy phép đã được cấp mà chưa trả phí này./.